“Vibe” ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trên cộng đồng mạng mà còn trong giao tiếp hằng ngày. Thuật ngữ này khi kết hợp với những từ ngữ khác lại mang một sắc thái khác nhau. Vậy “vibe” là gì và được sử dụng trong tình huống nào? Tham khảo bài viết sau của chúng tôi để hiểu về ý nghĩa và cách sử dụng của từ ngữ này nhé!
1. “Vibe” là gì?
Trong tiếng Anh, “vibe” có nghĩa là rung cảm. Khi du nhập vào Việt Nam, từ này được sử dụng để chỉ cảm xúc, tâm trạng hoặc sự rung động của con người do chịu ảnh hưởng từ tác nhân bên ngoài (như cảnh vật, âm thanh, con người,…) thông qua sự cảm nhận của các giác quan hoặc giao tiếp. Hiểu đơn giản, “vibe” là một tín hiệu cảm xúc của con người.
Theo nghĩa rộng hơn, “vibe” dùng để mô tả bầu không khí, bao gồm tất cả những gì diễn ra trong đó. Nếu sự vật, sự việc ở đó khiến ta cảm thấy vui vẻ thì con người sẽ có “vibe” tích cực. Ngược lại, nếu ta có cảm giác khó chịu, không an toàn thì đó là “vibe” tiêu cực.
Ví dụ: Bạn đang crush một cô nàng. Khi cô ấy vui vẻ cười với bạn, bạn sẽ cảm nhận được “vibe” tích cực. Nhưng nếu cô ấy đi bên cạnh chàng trai khác, bạn sẽ khó chịu và có xu hướng ghen. Đây là “vibe” tiêu cực.
Mỗi người sẽ có những rung cảm khác nhau trước hoàn cảnh, sự việc khác nhau. Chúng ta dựa vào cảm xúc bên trong để lan tỏa “vibe” của bản thân đến người khác và ngược lại, “vibe” của bên ngoài sẽ tác động đến cảm xúc của chúng ta.
Mặc dù, “vibe”, “mood” (tâm trạng) và “aura” (hào quang) có nghĩa tương đồng nhưng “mood” thường được sử dụng để diễn tả cảm xúc xuất phát từ bên trong con người. Trong khi đó, “vibe” lại đề cập đến cảm xúc chịu ảnh hưởng bởi tác nhân bên ngoài. Do đó, “aura” được xem là từ có nghĩa gần với “vibe” nhất.
2. “Vibe” có nguồn gốc từ đâu?
Một số người cho rằng, “vibe” ban đầu là viết tắt của “vibration” (sự rung động) và sau đó được tách ra sử dụng độc lập. Ý kiến khác lại cho rằng, “vibe” dần phổ biến sau khi ca khúc “Good Vibrations” của nhóm Beach Boy được phát hành năm 1966.
3. Tại sao “vibe” lại gây sốt và gắn liền với thế hệ trẻ?
Năm 2019, “vibe” bắt đầu phổ biến trong cộng đồng Twitter và Tumblr bởi hai cụm từ “just vibing” và “vibe check”. Trong đó, “just vibing” chỉ tình huống miêu tả cảm giác an toàn, thoải mái; còn “vibe check” dùng để kiểm tra “năng lượng” của đối phương. Thông thường, người dùng sẽ đăng bài viết kèm “vibe check”, sau đó mọi người vào trả lời bằng các hình ảnh, biểu tượng cảm xúc. Sau thời gian, “vibe” dần trở thành ngôn ngữ mặc định trên mạng xã hội và được nhiều bạn trẻ áp dụng trong giao tiếp.
4. Các sắc thái khác nhau của “vibe”
Khi đặt “vibe” bên cạnh những cụm từ khác nhau sẽ mang nghĩa khác nhau. Sau đây là một số sắc thái của “vibe”.
4.1 Morning vibe
Mỗi khi bình minh ló dạng, con người dường như được tiếp thêm năng lượng tích cực, lạc quan. Và “morning vibe” là cụm từ diễn tả tâm trạng sảng khoái mỗi sớm mai.
4.2 Christmas vibes
Christmas hay Giáng sinh là một trong những dịp lễ lớn của hàng tỷ người trên thế giới. Vì vậy, “Christmas vibes” dùng để miêu tả tâm trạng háo hức khi mùa Noel đang cận kề.
4.3 Summer vibe
Cụm từ này thường được sử dụng để diễn tả cảm xúc vui mừng, phấn khích của con người mỗi khi mùa hè tới. Đặc biệt, với những người yêu thích du lịch, đứng trước khung cảnh biển xanh, cát trắng, nắng vàng phải thốt lên “Summer vibe” đầy hào hứng.
4.4 Good vibes – Bad vibes
“Vibe” vốn là từ ngữ dùng để diễn tả cảm xúc, trong khi “good” và “bad” ám chỉ tình trạng của sự vật, hiện tượng. Nếu “good vibes” chỉ sự tích cực, vui vẻ mà bạn cảm nhận được từ môi trường hoặc những người xung quanh, thì “bad vibe” lại miêu tả cảm xúc tiêu cực, tồi tệ.
4.5 Weird vibes
Thuật ngữ này sẽ miêu tả những cảm xúc lạ kỳ khi bạn bỏ qua vẻ ngoài thu hút, xinh đẹp của một người nào đó. Trên thực tế, “weird vibes” giúp cho mọi người chuẩn bị tâm thể chủ động để đối mặt với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống.
4.6 Catch the vibe
Nắm bắt được những rung cảm của bản thân, của mọi người hoặc bầu không khí xung quanh chính là nghĩa của cụm từ “catch the vibe”.
Ví dụ, bạn nhìn vào một người, bạn có thể biết được họ đang vui hay buồn. Bởi “vibe” của họ lan tỏa, giúp bạn nắm bắt và phản ứng theo cách nhất định. Từ đó quyết định đến thái độ, hành vi ứng xử của bạn.
4.7 Good vibes Only
“Good vibes Only” hiểu đơn giản là luôn luôn tích cực. Thuật ngữ này thường dùng cho những người có lối sống tích cực, lạc quan dù ở trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, đây lại bị xem là cách dùng để che giấu tâm trạng, cảm xúc tiêu cực ở bên trong để hướng đến những điều tốt đẹp.
5. Ý nghĩa của “vibe” trong các lĩnh vực của đời sống
Trên một số phương diện đời sống, “vibe” sẽ có cách hiểu như sau.
5.1 “Vibe” trong kinh doanh là gì?
Vibe (VIBE) là thị trường VR dựa trên crypto đầu tiên trên thế giới. Vibe cho phép người sáng tạo nội dung kiếm tiền từ sản phẩm của họ bằng cách sử dụng “volumetric video” và các tài sản ảo khác. Hiện nay, trong khi các đồng xu VR khác có thể kiếm tiền từ tài sản ảo thì Vibe lại tạo ra nền tảng trải nghiệm VR cho người dùng.
5.2 “Vibe” trong Kpop là gì?
Kpop (Korean popular music) là thể loại nhạc Pop nổi tiếng toàn cầu của Hàn Quốc. Với sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, “vibe” trong Kpop được hiểu là không khí, điệu nhảy, phong cách thời trang,… mà các idol mang đến.
5.3 “Vibe” trong âm nhạc là gì?
Trong âm nhạc, “vibe” là điều vô cùng quan trọng. Chúng thể hiện cảm xúc của một bài hát mang đến cho người nghe, hoặc cảm giác của khán giả bộc lộ ra bên ngoài khi thưởng thức một giai điệu.
Ngoài ra, “vibe” còn là từ viết tắt của “vibraphone”, một loại nhạc cụ gõ với các thanh kim loại có thể điều chỉnh. Bên dưới là bộ phận cộng hưởng bằng điện có tác dụng ngân vang.
Mỗi người đều có “vibe” của riêng mình. “Vibe” của bản thân sẽ chịu ảnh hưởng bởi “vibe” của người khác và ngược lại. Vì vậy, hãy giữ tâm trạng luôn thoải mái để khơi nguồn năng lượng tích cực nhé!
Nguồn ảnh: Internet