Dù xa hoa hay giản đơn thì điều tối thiểu nhất cần có cho một hôn lễ chính là nhẫn cưới, nhẫn cưới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hôn nhân cũng như là minh chứng cho tình yêu giữa hai người.
Nguồn gốc của nhẫn cưới
Mặc dù không ai biết vào thời điểm nào và ai là người đầu tiên đưa chiếc nhẫn trở thành tín vật trong tình yêu và trong hôn nhân, nhưng Ai Cập cổ xưa chính xác là nơi đầu tiên sử dụng vòng tròn làm biểu tượng tình yêu đôi lứa. Theo quan niệm của họ, vòng tròn là hình ảnh của vòng tuần hoàn bất diệt, là biểu tượng tuyệt vời cho một tình yêu bất diệt và khoảng trống bên trong vòng tròn giống như một cánh cửa sẽ mở ra cuộc sống mới.
Thuở sơ khai nhẫn cưới đơn giản được làm từ cỏ cây, lau sậy, da thú, xương hoặc ngà voi,… và chỉ có phụ nữ mới đeo nhẫn cưới. Mãi cho đến khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, những người đàn ông buộc xa vợ ra chiến trường và họ bắt đầu đeo nhẫn cưới để nhớ về vợ của mình. Hành động lãng mạn, tràn đầy trách nhiệm và tình yêu này đã dần lan rộng và được đưa vào lễ cưới khi chú rể cũng được cô dâu đeo nhẫn cho.
Tuy vậy, phong tục về nhẫn cưới ở các vùng khác nhau cũng có nhiều khác biệt:
- Trước đây bên cạnh một chiếc nhẫn người La Mã sẽ trao cho người yêu kèm theo một chiếc chìa khoá nhỏ, chiếc chìa khoá tượng trưng cho sự bảo vệ và trân trọng trái tim của người chồng và cũng là chìa khóa mở ra sự sung túc về sau. Vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, người phụ nữ La Mã sẽ được trao 2 chiếc nhẫn cưới, một chiếc làm bằng vàng được đeo vào những dịp quan trọng hay khi đi ra ngoài và một chiếc nhẫn làm bằng sắt được đeo khi làm việc nhà.
- Một số phụ nữ vùng Scandinavia lại đeo tận 3 chiếc nhẫn: Nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, nhẫn khi làm mẹ.
- Những cô dâu Do Thái thì đeo nhẫn ở ngón tay trỏ, bởi vì đó là ngón mà với nó họ chỉ vào kinh Torah khi đọc.
- Những người theo Thanh Giáo từ chối đeo nhẫn bởi vì họ coi đồ trang sức là phù phiếm.
Vì sao nhẫn cưới được đeo ở ngón áp út?
Như chúng ta biết, ngón áp út chính là ngón tay dùng để đeo nhẫn cưới, vậy tại sao không phải là vị trí nào khác? Nếu giải thích theo y học, ngón áp út có đường mạch máu nối đến tim, so với các ngón tay khác đây là vị trí gần nhất kết nối với trái tim.
Ý nghĩa của nhẫn cưới trong hôn nhân
Nhẫn cưới là minh chứng của tình yêu và hôn nhân
Nhẫn cưới chính là dấu hiệu của người đã lập gia đình và cũng chính là vòng tròn bảo vệ hạnh phúc hôn nhân. Người đeo trên tay chiếc nhẫn cưới không chỉ thể hiện sự tôn trọng hôn nhân, tình yêu với người bạn đời mà còn như một lời tuyên bố với tất cả mọi người xung quanh rằng: “Tôi là người đã có vợ/chồng, hãy tránh xa tôi ra”.
Ý nghĩa của chữ “nhẫn” trong nhẫn cưới
Hai con người hoàn toàn xa lạ để có thể hoà hợp và sống hạnh phúc bên nhau cả đời điều đầu tiên chính là cần có chữ “nhẫn”. Sống chung lâu ngày việc xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm là không thể nào tránh khỏi, mỗi khi cơn tức giận trổi lên con người ta sẽ mất kiểm soát dẫn đến nhiều quyết định cũng như hành động sai lầm. Chính vì vậy khi đeo nhẫn cưới trên tay, chữ “nhẫn” trong nhẫn cưới như một lời nhắc nhỡ giữa vợ chồng hãy nhẫn nhịn với nhau, khi người này nóng thì người kia hãy nhường một chút mới có thể giữ vững hạnh phúc gia đình.
Giờ thì bạn đã biết ý nghĩa phía sau nhẫn cưới rồi đấy, chúng không đơn giản chỉ là một trang sức đeo cho đẹp vào ngày trọng đại mà được lựa chọn để đại diện cho điều thiêng liêng này hoàn toàn có lý do!
Nguồn tham khảo: Internet