Trong thời đại phát triển như hiện nay, con người cần không ngừng hoàn thiện mình để theo kịp thế giới. Và một trong những hành trang cần thiết nhất chính là tư duy đa chiều. Lỗi tư duy phiến diện cần bị khai trừ nhưng đồng thời chúng ta cũng cần phải tìm hiểu phiến diện là gì để nhìn lại xem mình có đang mắc phải lối tư duy này hay không.
Phiến diện là gì?
Phiến diện là tính từ dùng để chỉ một mặt, một chiều hay một phương diện của sự vật, sự việc nào đó. Và do chỉ nhìn một mặt nên phiến diện còn ám chỉ sự không đầy đủ, thiếu sót.
Phiến diện thường được sử dụng để nói về góc nhìn của một người đối với một hay nhiều vấn đề nào đó. Cụ thể, họ chỉ xem xét dựa trên một góc độ hoặc một yếu tố mà không nhìn bao quát, tổng thể, toàn diện.
Giống như câu chuyện thầy bói xem voi vậy. Chuyện kể rằng có 5 ông thầy bói vì không có khách xem bói nên quyết định rủ nhau đi xem voi. Ông thì sờ ngà, ông sờ tai, ông sờ chân, ông sờ đuôi, ông còn lại sờ vòi.
Ông sờ vòi nói voi sun sun giống đỉa. Ông sờ ngà lại phán cứng cứng như đòn càn. Ông sờ tai không đồng ý, bảo là giống cái quạt thóc. Ông sờ chân phản bác, bảo nó sừng sững như cái cột đình. Ông sờ đuôi đinh ninh là giống cái chổi sể cùn. Cuối cùng không ai chịu nhịn ai mà đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.
Câu chuyện dân gian tuy ngắn nhưng đã thể hiện được sự phiến diện trong cuộc sống. Với ông thầy bói không nhìn thấy đường thì không thể nào nhìn hết được con voi to lớn cả. Con người chúng ta cũng vậy, chỉ với đôi mắt, chúng ta khó có thể nhìn được toàn diện cuộc sống này. Vì vậy, phải cẩn thận tiếp nhận và chọn lọc ý kiến từ người khác để có thể hình dung được tổng quan vấn đề. Việc hiểu biết hời hợt, suy đoán mò mẫm thiếu thực tế và có cái nhìn hạn hẹp sẽ chỉ khiến chúng ta nhận thức sai lầm và phán đoán lệch lạc mà thôi.
Những cái nhìn phiến diện còn tồn tại trong cuộc sống
Trên thực tế, chúng ta luôn bắt gặp những “ông thầy bói” như câu chuyện đã kể trên. Lấy một ví dụ như một số phụ huynh cho con đi học rất nhiều lớp năng khiếu, vì họ nghĩ học thêm ít nhiều gì cũng có cái lợi của nó, “học nhiều không bổ ngang cũng bổ dọc”.
Chúng ta không phủ nhận được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học các kỹ năng bên ngoài trường lớp. Nhưng song song với đó, chúng ta còn cần phải xem xét đến các vấn đề như bé có muốn học hay không, có phù hợp với môn học đó hay không? Hay sức khỏe của các bé có đáp ứng được yêu cầu không và thời gian của bé có đủ để tham gia hay không? Cha mẹ đừng chỉ nhìn vào cái lợi của việc học mà thản nhiên hay vô tình bỏ qua việc xem xét những yếu tố như thế này.
Một ví dụ khác cũng đang rất được xã hội quan tâm, đó là vấn đề “trầm cảm ở tuổi trẻ”. Có rất nhiều quan điểm cho rằng, cuộc sống hiện nay được đầy đủ hơn lúc trước, chất lượng cuộc sống được nâng cao, các con có được những gì chúng muốn, tại sao chúng lại áp lực? Hay những suy nghĩ như vậy: “Chỉ có mỗi ăn với học thôi mà cũng stress, tâm lý yếu đến vậy sao?”.
Người lớn đã từng trải qua thời kỳ non trẻ nhưng tuổi trẻ thì chưa từng làm người lớn. Đôi khi, người lớn chỉ đứng trên góc độ của một người từng trải, trên góc độ của bản thân để đánh giá đứa trẻ, đây có thể nói là phiến diện.
Xã hội phát triển, vấn đề mà những đứa trẻ phải đối mặt không chỉ là thành tích và kỳ vọng của bố mẹ mà còn là áp lực từ xã hội. Bạn bè đồng trang lứa ai cũng xuất sắc, thế giới thay đổi từng ngày, điều này khiến con trẻ phải gồng mình để thích ứng. Vì vậy, cái chúng ta cần làm là thấu hiểu, chia sẻ, nhìn nhận một cách toàn diện hơn và giúp đỡ những đứa trẻ giải quyết khó khăn để không còn những tình huống đáng tiếc nữa.
Tại sao người ta lại có cái nhìn phiến diện đối với một vấn đề?
Vẫn còn đó rất nhiều những cái nhìn phiến diện đang hằng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Vậy đâu là nguyên nhân khiến con người có cái nhìn phiến diện?
Suy nghĩ vội vã
Khi đối diện với các vấn đề hay quyết định, người ta thường tin vào những gì thoáng lên trong đầu mình đầu tiên. Đặc biệt là trong các tình huống xảy ra bất ngờ hoặc hạn hẹp về thời gian. Trong giới hạn, con người sẽ ít có khả năng xem xét và suy nghĩ thấu đáo về tất cả các mặt của vấn đề. Từ đó dẫn đến sẽ ưu tiên cho cái nhìn chủ quan của bản thân mình.
Thiếu kiến thức, kinh nghiệm sống
Việc thiếu kinh nghiệm sống hoặc kiến thức chuyên sâu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ một chiều, thiếu chu toàn. Chẳng hạn như, dự án của bạn đang làm đi vào ngõ cụt. Bạn chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh, do thời thế, rồi bắt đầu suy sụp mà không suy xét các nguyên nhân sâu xa của nó. Vấn đề của dự án nằm ở đâu? Tại sao không được thị trường đón nhận? Nhân sự dự án có sai sót chỗ nào? Cách khắc phục là gì? Để giải quyết, bạn cần phải nhìn vào các mặt của vấn đề.
Thiếu sự cảm thông, chia sẻ
Chúng ta thường dùng suy nghĩ và lối sống của mình để đánh giá cuộc đời của người khác. Chúng ta đánh giá đứa trẻ đó ngỗ nghịch, quậy phá nhưng thực tế, chúng chỉ là đang muốn thu hút sự chú ý của người khác, cần được quan tâm. Vị sếp khó tính luôn bắt bẻ công việc của bạn nhưng thật ra sếp cũng đang phải “đầu bù tóc rối” vì bị lãnh đạo phía trên trách móc.
Chúng ta không sống được cuộc đời của nhau, vậy nên đừng dùng tiêu chuẩn của mình để đánh giá người khác. Cái chúng ta cần là đặt mình vào vị trí của nhau để cảm thông và sẻ chia.
Tư duy vị kỷ, không tiếp thu
Lại có một số ít người, thật ra họ biết vấn đề đó chưa thật sự hiệu quả nhưng họ vẫn chọn quyết định như vậy. Nguyên nhân là bởi vì quyết định đó mang lại lợi ích cho họ. Họ hoàn toàn chỉ xem xét vấn đề dựa trên lợi ích của bản thân mình. Một số khác lại cố chấp với quan điểm của mình. Không có gì trên đời này là bất biến cả, chúng ta cần phải linh hoạt xem xét và biến đổi để phù hợp với thời đại.
Phiến diện sẽ mang đến bất lợi gì cho ta?
Cuộc sống trở nên đơn điệu
Vì bạn chỉ thấy được một mặt vấn đề nên bạn sẽ cảm thấy cuộc sống không có gì mới mẻ. Cuộc sống “bằng phẳng” và “ít góc cạnh” làm bạn chán nản, dần mất đi hứng thú suy nghĩ hay đào sâu vào bất cứ thứ gì.
Định hình suy nghĩ lệch lạc
Như đã đề cập bên trên, tư duy phiến diện là tư duy thiếu tính chính xác. Và nếu cứ sử dụng tư duy đó vào cuộc sống và công việc thì chúng ta sẽ gặp những rắc rối lớn.
Không theo kịp xã hội
Xã hội ngày nay thay đổi theo từng giờ và đòi hỏi chúng ta cần linh hoạt biến đổi theo nó. Nếu chúng ta suy nghĩ một chiều, chúng ta sẽ không thể phát triển toàn diện, không đủ năng lực để thích ứng, dần dần sẽ bị thụt lùi về phía sau.
Cách thay đổi tư duy phiến diện
Xem xét kỹ lưỡng vấn đề
Trước khi đưa ra quyết định hay bàn luận về vấn đề gì, bạn cần có thời gian để suy nghĩ, xem xét nó trên nhiều khía cạnh khác nhau hay đặt mình vào các vị trí khác nhau để khai thác. Từ đó, chúng ta sẽ có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tập dần cho mình thói quen suy nghĩ đa chiều.
Tư duy phản biện
Một mẹo nhỏ để chúng ta tập dần thói quen nhìn bao quát vấn đề chính là áp dụng tư duy phản biện. Khi bạn đang suy nghĩ về một vấn đề, hãy dành thêm thời gian suy nghĩ theo hướng ngược lại. Ví dụ, học cái đó có lợi, vậy nó có gây bất tiện gì không?
Tiếp thu có chọn lọc ý kiến người khác
Việc lắng nghe quan điểm của mọi người giúp bạn biết thêm được thêm một góc nhìn mới. Mỗi người có một suy nghĩ và cái hay riêng, tiếp thu những cái hay đó giúp ta trưởng thành hơn.
Trau dồi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm
Khi có đủ kinh nghiệm và kiến thức, chúng ta sẽ nhạy bén hơn trong việc xem xét và nhìn nhận vấn đề. Khi tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, chúng ta cũng có cái nhìn đa chiều hơn.
Cuộc sống không ai tốt hoàn toàn cũng không ai xấu hoàn toàn. Cầu vồng đẹp vì nó có bảy màu. Sự đa diện khiến cuộc sống chúng ta đầy màu sắc và thú vị hơn. Để sống hòa nhập trong thế giới muôn màu đó, chúng ta cũng cần có tư duy đa chiều để nhìn rõ vấn đề. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn sẽ hiểu thêm được phiến diện là gì đồng thời có góc nhìn toàn diện, đúng đắn hơn khi đối diện với mọi vấn đề.
Đừng quên theo dõi Tóm Tắt Chính Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.