Chúng ta thường hay nói rằng những người hay khóc, dễ bị tổn thương là những người nhạy cảm. Vậy nhạy cảm là gì? Nhạy cảm có thật sự chỉ là nói đến những người hay khóc và yếu đuối? Hãy cùng theo dõi bài viết để có câu trả lời nhé.
1. Nhạy cảm là gì?
Về tổng thể, nhạy cảm được sử dụng theo hai nghĩa:
- Có khả năng nhận biết nhanh và tinh bằng các giác quan, bằng cảm tính. Ví dụ: người nhạy cảm.
- Chỉ một vấn đề tế nhị, khó nói ra vì nói ra thường dễ gây hiểu nhầm hoặc dễ nảy sinh những điều không hay. Ví dụ: tình huống nhạy cảm.
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích, làm rõ nghĩa thứ nhất của nhạy cảm.
2. Người nhạy cảm là như thế nào?
Trong cuộc sống, không khó để chúng ta bắt gặp một số người rất dễ xúc động, dễ khóc, dễ tổn thương, rất hay để ý đến những lời nói, ý kiến của người. Những người như vậy thường được xếp vào nhóm người có tâm hồn nhạy cảm.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, người ta nhận thấy, người nhạy cảm thường sẽ có các đặc tính như:
- Người nhạy cảm liên kết vấn đề theo hình thức so sánh, ví dụ như so sánh trải nghiệm hiện tại của mình khác thế nào so với trải nghiệm ngày trước và liên hệ thêm với câu chuyện của những người khác.
- Rất dễ cảm thấy hứng khởi, phấn khích nhưng cũng rất dễ căng thẳng và lo âu.
- Có nhiều rung động mạnh mẽ và nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn so với người bình thường nên có khả năng nhận thức rất nhanh tình huống xung quanh. Do đó, người nhạy cảm có trực giác khá tốt.
- Có thể cảm nhận được những chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất.
3. Đặc điểm của người nhạy cảm là gì?
Người ta thường cho rằng người nhạy cảm là người hay khóc và rất dễ tổn thương, gắn nhạy cảm với những điều không tốt. Tuy nhiên, nhạy cảm là một giác quan đặc biệt với những đặc điểm sau:
3.1 Có nhận thức tinh tế
Người nhạy cảm thường nhận thấy những thay đổi nhanh hơn người khác như sự thay đổi vị trí đồ đạc trong phòng, mùi hương khác lạ hay ai đó thay đổi một kiểu tóc mới,… Bên cạnh đó, người nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của người khác một cách mạnh mẽ hơn hẳn những người bình thường.
3.2 Cảm nhận được nỗi buồn của người khác
Bởi vì có khả năng nhận thức tình huống một cách nhanh nhạy nên người nhạy cảm rất dễ phát hiện và đồng cảm với những nỗi buồn của người khác. Chính vì thế, người nhạy cảm biết cách an ủi bạn bè và luôn là một người bạn tốt đáng trân trọng.
3.3 Cảm xúc rất sâu sắc
Người nhạy cảm thường dựa vào trực giác để đưa ra quyết định và bày tỏ ý kiến. Bởi vì họ tự tin vào trực giác và kinh nghiệm của bản thân nên những người không tiếp xúc nhiều với người nhạy cảm sẽ hơi khó chấp nhận quan điểm của họ ngay từ đầu bởi vì nó có chút khác biệt so với mọi người.
3.4 Dễ dàng bị ám ảnh bởi những lời góp ý, chỉ trích
Thay vì xem những lời góp ý, chỉ trích là bài học để hoàn thiện bản thân như nhiều người khác thì người nhạy cảm lại có xu hướng xem đó là những nỗi đau, giữ trong lòng để suy nghĩ và gặm nhấm. Nhưng nếu có một lời động viên từ người khác thì những nỗi buồn này sẽ nhanh chóng tan biến.
3.5 Cần thời gian riêng tư
Bởi vì người nhạy cảm thường choáng ngợp với đám đông nên họ luôn cần một khoảng thời gian riêng tư để tránh xa mọi người. Do đó, người nhạy cảm thường thích dành cho mình một khoảng thời gian riêng để tận hưởng cuộc sống và làm những điều mình thích như đọc sách, xem phim, trồng hoa,… thay vì ra ngoài xem phim, dạo phố.
3.6 Dễ bị rung động trước cái đẹp và nghệ thuật
Người nhạy cảm rất dễ bị rung động trước những vẻ đẹp từ thiên nhiên, khung cảnh, một bức tranh đẹp hay một bản nhạc du dương. Những sự đẹp đẽ này có thể giúp người nhạy cảm chữa lành những nỗi đau và đem đến cho họ một cảm giác bình yên, thoải mái.
3.7 Dễ cảm thấy quá tải và cạn kiệt năng lượng
Người nhạy cảm khi làm việc trong nhiều giờ và làm những công việc mang tính hướng ngoại thì rất dễ cảm thấy quá tải và cạn kiệt năng lượng. Bởi vì họ khó làm việc trong một môi trường quá ồn ào hoặc căng thẳng. Khi cảm thấy quá tải, họ chỉ muốn tìm một nơi yên tĩnh để thả lỏng cơ thể của mình.
4. Người quá nhạy cảm như thế nào?
Một người quá nhạy cảm có đặc điểm rõ nhất là sự ngượng ngùng và hay xấu hổ. Họ luôn thể hiện ra những biểu cảm thái quá khi xem những cảnh bạo lực hoặc thảm thương trên phim ảnh như có thể sẽ lấy tay che mặt không xem những hình ảnh này theo phản xạ hoặc khóc lóc không ngớt.
Đối với một số người quá nhạy cảm khác, độ nhạy cảm cao của họ thể hiện ở việc họ không chịu được ánh sáng chói, tiếng ồn lớn hay mùi hương quá mạnh hoặc cũng có thể là cảm giác cực kì khó chịu khi ở trong một đám đông. Nhìn chung là quá nhạy cảm với một điều gì đó.
Nhạy cảm là một trạng thái hết sức bình thường ở người, nhưng quá nhạy cảm lại trở nên có hại không những cho bản thân mà còn với những người xung quanh. Quá nhạy cảm có thể làm cuộc sống hay quá nhạy cảm trong tình yêu đều có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi, không hạnh phúc và không lành mạnh. Do đó, bạn phải cần kiểm soát sự nhạy cảm của mình để không phản ứng thái quá với những việc hằng ngày trong cuộc sống.
Đừng quá cảm thấy có lỗi và tự ti khi bản thân là một người nhạy cảm, bởi nó cũng một món quà giúp bạn trở nên tinh tế và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cần biết tiết chế sự nhạy cảm của mình lại và có cái nhìn cởi mở hơn, chấp nhận và yêu thương bản thân hơn để không phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống.
(Sưu tầm – Nguồn ảnh: Internet)