Trong cuộc sống hằng ngày chắc hẳn chúng ta thường thấy những di tích cổ hay những phong tục tập quán riêng, những địa điểm du lịch nổi tiếng được bảo tồn,… tất cả đều là những di sản văn hóa quan trọng. Đây là tài sản quý giá với từng quốc gia, là một phần của di sản văn hóa nhân loại và đóng vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chính vì thế việc hiểu đúng khái niệm di sản văn hóa là gì là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
1. Khái niệm di sản văn hóa là gì?
Di sản văn hóa là một khái niệm quan trọng với mỗi quốc gia, dù định nghĩa có phần khác nhau nhưng khái quát chung di sản văn hóa vẫn là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa từ đời này sang đời khác. Di sản là báu vật được thiên nhiên ban tặng, là thành quả lao động sáng tạo hăng say của con người và là sự gìn giữ của bao thế hệ trong nhiều thập kỷ.
Di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của một nhóm hay xã hội, được kế thừa từ các thế hệ trước, duy trì đến hiện nay và cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa còn mang đến ý nghĩa được thể hiện, bên cạnh các vai trò bảo vệ và giữ gìn.
2. Có bao nhiêu loại di sản văn hóa?
Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa tồn tại hữu hình như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật…; văn hóa phi vật thể như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức,…; và di sản tự nhiên bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học….
Tuy nhiên, để đơn giản hóa phân loại, hiện nay di sản văn hóa được chia thành 2 loại: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
2.1. Di sản văn hóa phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Chúng được tái tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Sự quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể không nằm ở hình thức thể hiện văn hóa mà ở kho tàng kiến thức và kĩ năng được truyền lại từ đời này sang đời khác bằng rất nhiều hình thức lưu giữ, lưu truyền như:
- Tiếng nói, chữ viết
- Tác phẩm văn học
- Ngữ văn truyền miệng
- Nghệ thuật, khoa học
- Diễn xướng dân gian
- Tập quán xã hội, lối sống, nếp sống và tín ngưỡng
- Lễ hội và nghề thủ công truyền thống
- Tri thức dân gian
- Văn hóa ẩm thực
- Trang phục truyền thống
- ….
Những di sản văn hóa phi vật thể này đã và đang không ngừng được tái tạo, lưu truyền và gìn giữ với mong muốn có thể giữ vững giá trị nguyên bản qua nhiều đời.
2.2. Di sản văn hóa vật thể
Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa vật thể bao gồm:
- Di tích lịch sử – văn hóa: Bao gồm các câu chuyện gắn với lịch sử như thời dựng nước, giữ nước; Những câu chuyện gắn với các chiến công lịch sử,..
- Danh lam thắng cảnh: Bao gồm những cảnh đẹp gắn với giá trị lịch sử, văn hóa. Danh lam thắng cảnh phải được các tổ chức có thẩm quyền trong nước và quốc tế công nhận, có nét khác biệt so với những cảnh đẹp khác.
- Di vật., cổ vật, bảo vật quốc gia: Đảm bảo có giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước.
3. Ý nghĩa của di sản văn hóa đối với mỗi quốc gia
Bảo vệ di sản văn hóa từ lâu không phải là vấn đề của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà là vấn đề chung của quốc gia. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, chúng ta quan niệm có nhiều thứ quan trọng và cần thiết để bảo vệ cho thế hệ tương lai. Có những giá trị có thể cầm nắm được, những có những giá trị chỉ mang ý nghĩa tinh thần, tuy nhiên tất cả đều cần được nỗ lực bảo vệ.
Di sản văn hóa càng quan trọng và cần thiết hơn khi nhịp sống thay đổi. Những phong tục tập quán, nghi lễ, tri thức,.. đều góp phần làm nên màu sắc riêng của từng quốc gia. Do đó bảo vệ di sản văn hóa chính là bảo vệ cho màu sắc, bản chất riêng của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới, lưu giữ được công sức và nét đẹp văn hóa của thế hệ trước.
Bảo vệ di sản là sự chuyển giao tri thức, kỹ năng và ý nghĩa. Nói một cách khác, bảo vệ nhấn mạnh vào các quy trình chuyển giao hay truyền dạy các di sản văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bảo vệ còn có nghĩa là để cho di sản văn hóa trở thành một phần cuộc sống của thế hệ tương lai và tiếp nối các thế hệ khác. Tạo tiền đề cho thế hệ sau tái tạo và phát triển, cập nhật được nền văn hóa tiên tiến nhưng không mất đi bản sắc dân tộc.
Đẩy mạnh và phát triển kinh tế vững mạnh hơn khi bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt là phát triển du lịch. Đồng thời tạo cơ hội mở rộng khai thác các ngành nghề, lĩnh vực liên quan khác.
4. Những di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận
Để hiểu di sản văn hóa là gì, tìm hiểu các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là điều không thể bỏ lỡ. Hiện nay di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận hiện nay có đủ 3 loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.
4.1. Di sản văn hóa phi vật thể thế giới
Quần thể di tích Cố đô Huế
Ngày được công nhận: 11/12/1993
Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945.
Với tổng thể kiến trúc hơn 500 ha và được xây dựng theo 3 vòng lần lượt là kinh thành, hoàng thành và tử cấm thành. 3 vòng được lồng ghép và tạo thành một khối hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc Đông Tây.
Phố cổ Hội An
Ngày được công nhận: 4/12/1999
Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách TP. Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi nên trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, Hội An đã từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi buôn bán và trao đổi hàng hóa của những thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc và lái buôn từ các nước phương Tây.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thế giới thứ hai cùng với quá trình đô thị hóa, Hội An không bị phá hủy, vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc độc đáo. Đến với phố cổ Hội An, du khách sẽ được ngắm những ngôi nhà cổ, những bức tường rêu phong, những làng nghề truyền thống và những điệu hát dân gian thú vị.
Thánh địa Mỹ Sơn
Năm được công nhận: 1999
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thánh địa Mỹ Sơn từng được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, nơi đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa.
Hoàng thành Thăng Long
Ngày được công nhận: 31/7/2010
Hoàng thành Thăng Long quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Công trình này được các triều vua trong lịch sử xây dựng và đã trở thành một di tích quan trọng bậc nhất trong các di tích Việt Nam.
Thành Nhà Hồ
Ngày được công nhận: 27/6/2011
Thành nhà Hồ, nay thuộc địa phận xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long-Hà Nội), từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Vịnh Hạ Long
Ngày được công nhận: 02/12/2000
Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc bờ tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo của thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vinh có diện tích khoảng 1.553km2 và 1.969 đảo lớn nhỏ. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học cho khu vực này.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Ngày được công nhận: 3/7/2015
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
4.2. Di sản văn hóa phi vật thể
Nhã nhạc cung đình Huế
Ngày được công nhận: 12/2003
Nhã nhạc cung đình Huế có từ thời phong kiến được biểu diễn phục vụ trong cung đình. Với lời hát tao nhã cùng điệu thức cao sang, quý phái, Nhã nhạc cung đình góp phần tạo sự trang trọng cho các buổi lễ.
Ngoài ra Nhã nhạc cung đình Huế còn là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại, chính vì các triều đại phong kiến Việt Nam trân trọng trọng.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Ngày được công nhận: 15/11/2005
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm: cồng chiêng, bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng và cả địa điểm để tổ chức các lễ hội.
Dân ca Quan họ
Ngày được công nhận: 30/9/2009
Dân ca Quan họ là những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, được phát triển mạnh mẽ ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa. Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng.
Ca trù
Ngày được công nhận: 2/10/2009
Ca trù là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù từng là một loại ca phục vụ trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích bởi có sự kết hợp đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Hội Gióng
Ngày được công nhận: Năm 2010
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng. Ngày nay, giá trị nổi bật nhất mà Hội Gióng đem lại đó chính là hiện tượng văn hóa được lưu truyền liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ.
Hát xoan Phú Thọ
Ngày được công nhận: Năm 2011
Hát Xoan hay còn gọi là “Khúc môn đình” – là hình thức nghệ thuật có sự kết hợp giữa ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Đặc biệt hát Xoan độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Ngày được công nhận: Năm 2012
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam mà trọng tâm là tỉnh Phú Thọ. Với người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt Nam. Do đó tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc.
Đờn ca tài tử
Ngày được công nhận: 27/11/2014
Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động, có tính gắn kết bạn bè, hàng xóm,..
4.3. Di sản văn hóa hỗn hợp
Quần thể danh thắng Tràng An
Ngày được công nhận: 23/6/2014
Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình là một vùng du lịch bao gồm nhiều di tích quốc gia: Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư… Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi và hệ thống sông hồ. Điều này tạo nên một khung cảnh thiên nhiên độc đáo, để Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Qua những nội dung trên chắc chắn đã giúp bạn hiểu được di sản văn hóa là gì và lý do tại sao nên bảo tồn các di sản văn hóa. Dù mang trong mình kiến trúc cổ xưa hay là một sản phẩm văn hóa tinh thần, các di sản văn hóa cũng đều cần được con người bảo tồn và gìn giữ, phát triển trong tương lai.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet