Bạn đã từng trải qua cảm giác việc hôm nay mình làm từng có ở quá khứ? Hay gặp một người lạ nhưng lại cảm thấy vô cùng quen thuộc ngay lần đầu tiên? Đây đều là những biểu hiện phổ biến của Deja vu. Nếu bạn cũng từng trải qua những cảm giác giống với deja vu nhưng chưa biết được deja vu là gì thì tham khảo ngay bài viết này nhé!
1. Deja vu là gì?
Deja vu hay còn gọi là Déjà vu [deʒa vy] là một từ tiếng Pháp, trong đó Déjà có nghĩa là “đã từng”, Vu có nghĩa là “nhìn thấy”, ghép lại có nghĩa là “đã nhìn thấy”, “đã từng trải”.
Deja vu là thuật ngữ được đặt ra bởi nhà nghiên cứu tâm linh học người Pháp – Émile Boirac (1851–1917). Trong cuốn sách của ông có tên là L’Avenir des sciences psychiques viết về tương lai của ngành khoa học tâm linh, ông cho rằng Deja vu là một cảm giác “quen thuộc”, “kỳ quái”, “huyền bí” và thường xuyên xảy ra trong những giấc mơ.
Deja vu là một hiện tượng mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua và đã được miêu tả từ rất lâu đời, có nghĩa đây là một hiện tượng không chỉ có trong thời đại này. Hiện nay Deja vu cũng trở thành một vấn đề nan giải cho nhiều nhà khoa học trong hành trình tìm kiếm lời giải đáp chính xác.
2. Một số cách giải thích về Deja vu
Theo khoa học giải thích rằng, Deja vu là hiện tượng mà khi chúng ta nhìn thấy một chuyện nào đó, não bộ lập tức hoạt động theo cơ chế riêng là cho chúng ta cảm thấy dường như đã “từng trải” rồi. Theo đó, hiện tượng Deja vu có nghĩa là một người cảm nhận được rằng mình đã từng sống qua những giây phút đó trong quá khứ, mặc dù thực tế có thể tình huống đó chưa bao giờ xảy ra.
Khoa học giả tưởng lại cho rằng Deja vu là hiện tượng tồn tại hai thế giới song song. Cách giải thích này cho rằng bản thân chúng ta luôn tồn tại ở 2 thế giới, bằng một cách thần kỳ nào đó mà chúng ta thấy được thông tin đến từ thế giới khác. Sự trộn lẫn của hai thế giới tạo nên hiện tượng Deja vu.
Ngoài ra, Deja vu cũng được nhiều người cho rằng đây là hiện tượng trí nhớ còn tồn tại từ tiền kiếp. Có nghĩa là kiếp trước bản thân chúng ta đã trải qua những chuyện tương tự nên ở thời điểm hiện tại khi chúng ta lặp lại tình huống đó, đúng địa điểm đó và các yếu tố ngoại cảnh đó sẽ tác động khiến chúng ta nhớ lại.
3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Deja vu
Deja vu là một hiện tượng khá phức tạp chưa có giả thuyết chính xác để giải thích. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thống kê và đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Deja vu như:
- Tuổi tác: Theo các nhà nghiên cứu, những người trẻ tuổi thường dễ gặp phải hội chứng Deja vu hơn và tần suất sẽ giảm dần khi về già.
- Chất lượng cuộc sống: Những người có trình độ học vấn cao, sống ở xã hội phát triển và cao cấp hơn thường dễ gặp phải tình trạng Deja vu.
- Nhiều trải nghiệm: Một số nghiên cứu cho rằng những người có nhiều trải nghiệm cuộc sống như đi du lịch, gặp gỡ nhiều người khiến họ dễ dàng cảm nhận được cảm giác thân quen khi đến một vùng đất mới, đây chính là hiện tượng Deja vu.
- Tình trạng căng thẳng: Déjà vu có thể xuất hiện thường xuyên hơn khi bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi hoặc căng thẳng.
- Sử dụng thuốc điều trị: Khi sử dụng thuốc điều trị thường xuyên sẽ dễ khiến cơ thể mệt mỏi, miên man và dễ gặp phải Deja vu.
4. Một số giả thuyết về hội chứng Deja vu
Deja vu là một hội chứng không có quy luật, thường xảy ra một cách bất ngờ. Không ai có thể ép bản thân rơi vào hội chứng này, chính vì thế các nhà khoa học khó mà tìm ra được lời giải thích chính xác về Deja vu. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng Deja vu đã có một số giả thuyết đến từ nhiều nhà nghiên cứu khác nhau.
4.1. Deja vu là bệnh
Năm 1988 đã có một bản miêu tả trải nghiệm Deja vu của bệnh nhân mắc chứng epilepsy. Các nhà khoa học thấy rằng những người mắc chứng epilepsy thường xuyên cảm thấy Deja vu hơn người bình thường bởi họ thường xuyên gặp những cảm giác liên quan đến sự tác động vào thùy thái dương – phần não liên quan đến cảm ứng, ngôn từ và điều hành trí nhớ.
Trong quá trình tác động, các nơ ron thần kinh nhầm lẫn và gửi tín hiệu sai đến các phần khác của cơ thể. Deja vu là kết quả của việc các dây thần kinh đang chồng chéo lên nhau. Hiện tượng này sẽ chấm dứt khi các bệnh nhân trải qua một vài ca phẫu thuật não.
4.2. Deja vu là hiện tượng đánh lừa của các giác quan
Có giả thuyết cho rằng Deja vu chỉ là một hiện tượng cơ bản mà não bộ dùng để đánh lừa giác quan. Thông thường các giác quan đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nhận thức thế giới xung quanh.
Ví dụ như khi đang đi trên đường mà bạn ngửi thấy một mùi hương, bạn cảm giác mùi hương đó thân quen như từng ngửi thấy trước đây. Thực chất đó có thể là một mùi hương giống mùi mà bạn đã từng gặp, điều này khiến bạn cảm thấy thân thuộc và bị đánh lừa. Đây chính là một biểu hiện rõ nét và thuyết phục về Deja vu.
4.3. Deja vu là do “trục trặc” ở não
Một giả thuyết khác được đặt ra về Deja vu đó chính là não của bạn đang gặp “trục trặc”, đây có thể là một sự cố ngắn và được mô tả như cơn động kinh. Khi bị động kinh, các nơ ron thần kinh bị ức chế tạm thời do đó tạo ra các thông điệp lộn xộn khắp cơ thể.
Hiện tượng này sẽ xảy ra khi não đang theo dõi sự kiện hiện tại và não nhớ lại ký ức hoạt động cùng một lúc, não của bạn nhận thức sai về những gì đang xảy ra gây rối loạn chức năng não.
4.4. Một số giải thích khác về Deja vu
Deja vu có rất nhiều giả thuyết được đặt ra. Một số chuyên gia cho rằng Deja vu và những giấc mơ có liên quan đến nhau. Rất nhiều người thường gặp các hiện tượng trùng lặp trong đời sống và những hiện tượng đó đều đã từng xảy ra trong mơ.
Hay một số khác cho rằng Deja vu liên quan đến những trải nghiệm tâm linh, đó là điều mà bạn đã trải qua trong kiếp trước nên có cảm giác quen thuộc.
Về hiện tượng Deja vu thực chất vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để giải thích và chứng minh. Đối với nhiều người Deja vu có thể là một hiện tượng thú vị nhưng có thể với một số người khác Deja vu chính là bệnh và cần được điều trị nếu nó xảy ra liên tục. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn nhiều về hiện tượng Deja vu đặc biệt trong đời sống.