Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo cả, mỗi người đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Bạn sẽ làm được những điều mà một số người khác không làm được và ngược lại. Tuy nhiên trong mọi việc, mỗi chúng ta đều luôn muốn kết quả đạt được là hoàn hảo nhất. Đó chính là một phần của tính cầu toàn.
1. Cầu toàn là gì?
Cầu toàn một trong những tính cách đặc biệt của con người. Bởi người cầu toàn luôn tự đặt ra cho bản thân, công việc, bạn bè, gia đình… của mình những tiêu chuẩn và đòi hỏi cao hơn so với người bình thường. Họ luôn nghĩ những điều đã làm chưa đủ tốt nên yêu cầu mọi việc phải được hoàn thành với kết quả tốt nhất, đạt đến ngưỡng hoàn hảo.
Muốn diễn tả cầu toàn trong tiếng Anh bạn có thể dùng từ “Perfectionism”.
2. Phân loại nhóm người cầu toàn
Trên thực tế, người cầu toàn được chia thành nhiều nhóm và mỗi nhóm sẽ có những đặc điểm riêng biệt.
2.1 Kiểu người cầu toàn với bản thân
Nhóm người này thường tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn nhất định trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Có thể nói họ là người khá khắt khe với bản thân nên đôi lúc, sẽ dễ bị mệt mỏi, quá tải hay không hài lòng về chính mình.
Tuy nhiên, khi đặt ra mục tiêu người cầu toàn với bản thân xem đó như động lực để phấn đấu nên họ thường dễ thành công. Có tổ chức, tận tâm, quyết đoán, tích cực… là một trong những đặc điểm thường được bắt gặp ở nhóm người cầu toàn này. Điểm họ cần cải thiện là cố gắng cân bằng cuộc sống, chăm sóc và rộng lượng hơn một chút với bản thân mình.
2.2 Kiểu người cầu toàn bị áp lực từ xã hội
Đây là kiểu cầu toàn thường tự chỉ trích, phê bình bản thân, cảm thấy áp lực sợ người khác sẽ từ chối mình từ đó dẫn đến lo lắng, kém tự tin. Tóm lại, họ chịu ảnh hưởng của những tiêu chuẩn đến từ xã hội và dễ phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực.
Trong trường hợp này, bạn nên cố gắng lắng nghe, phân tích điểm mạnh, điểm tốt của bản thân đồng thời hạn chế việc để những tiêu chuẩn của xã hội “buộc” mình lại.
2.3 Kiểu người cầu toàn với người khác
Nhóm người cầu toàn này thường đặt ra tiêu chuẩn cao cho người khác. Đồng thời, họ cũng sở hữu đặc điểm hay chỉ trích, phán xét hoặc cảm thấy khó chịu khi ai đó không đạt được kỳ vọng của mình.
Khác kiểu người cầu toàn với bản thân, người cầu toàn với người khác thường khá khó thành công trong công việc. Nguyên nhân bởi lối suy nghĩ và cách cư xử của họ sẽ phá vỡ các mối quan hệ hay nói cách khác là khiến cho việc tạo dựng, duy trì các mối quan hệ trở nên khó khăn. Để cải thiện vấn đề, nhóm này nên học cách đồng cảm, thấu hiểu và ngừng việc đặt ra yêu cầu, mong chờ quá nhiều từ người khác.
3. Dấu hiệu nhận biết người cầu toàn
Trong cuộc sống hằng ngày, việc gặp gỡ, nói chuyện với những người cầu toàn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận biết được một người có tính cách này. Vậy cụ thể dấu hiệu nhận biết người cầu toàn là gì?
3.1 Lo ngại về những lỗi lầm
Thất bại, sai lầm là những điều mà người cầu toàn không bao giờ muốn gặp phải. Họ thường tỏ ra khó chịu hơn so với người bình thường khi gặp phải tình huống này. Chính vì thế, họ có xu hướng lo lắng, sợ hãi về những lỗi lầm có thể xảy ra trước khi làm bất cứ một việc gì. Đặc điểm này khiến người cầu toàn dễ bị trì hoãn hay có nguy cơ bị stress do suy nghĩ quá nhiều.
3.2 Đặt mục tiêu cá nhân cao
Người có tính cách cầu toàn thường thiết lập mục tiêu cá nhân cao. Họ đánh giá bản thân qua kết quả công việc cũng như thành công trong cuộc sống. Họ sẽ tập trung vào những điều chưa làm được và đặt ra các tiêu chuẩn để thúc đẩy bản thân hoàn thành.
Dưới một mức độ nào đó, đặc điểm này được xem là khá có lợi. Tuy nhiên, khi kỳ vọng của bạn không còn thực tế thì nó sẽ trở thành áp lực vô hình khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, đừng quá khắt khe với mình hay đặt ra những tiêu chuẩn quá sức.
3.3 Có suy nghĩ phải làm hài lòng người khác
Một đặc điểm thường thấy ở những người cầu toàn là luôn cố gắng nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ và những người xung quanh. Trong công việc, họ luôn muốn nhận được sự khen ngợi từ đồng nghiệp. Bởi vậy, người cầu toàn luôn cố gắng thực hiện mọi việc tốt nhất, yêu cầu bản thân phải đạt được những mục tiêu đặt ra bằng mọi cách. Với họ, không chỉ tự hài lòng mình mà việc làm hài người khác cũng đem lại cảm giác tự tin, hạnh phúc.
3.4 Thường bị ảnh hưởng bởi các tác động xung quanh
Vì muốn làm hài lòng người khác nên hầu hết những người có tính cách cầu toàn thường bị tác động bởi con người và những yếu tố môi trường xung quanh. Họ có thể tự đặt mục tiêu, tự phấn đấu nhưng chỉ thực sự cảm thấy hài lòng khi được mọi người công nhận.
3.5 Nghi ngờ về hành động của chính mình
Một dấu hiệu thông thường khác ở người cầu toàn là luôn có cảm giác bất an, luôn cảm thấy không chắc chắn khi hoàn thành một công việc nào đó. Việc cố gắng đạt được một kết quả tốt hơn, tốt hơn nữa có thể khiến họ bị căng thẳng, mệt mỏi thậm chí là suy sụp.
3.6 Người cầu toàn có tính tổ chức
Người cầu toàn đòi hỏi cao trong mọi việc và bắt bản thân thực hiện theo quy trình đã đặt sẵn. Họ tin tưởng vào những tiêu chuẩn đặt ra. Chính những tiêu chuẩn đó sẽ là nấc thang để giúp họ đạt được sự hoàn hảo cũng như kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây nên một số cản trở cho người cầu toàn trong những công việc đòi hỏi sự linh hoạt.
4. Cầu toàn là tốt hay xấu
Như đã phân tích, người cầu toàn thường đặt ra cho bản thân và công việc những yêu cầu và mục tiêu cao. Họ luôn muốn mọi việc hoàn thành và đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, người quá cầu toàn sẽ dễ gặp phải bất lợi trong cả công việc, tình yêu lẫn cuộc sống.
4.1 Người cầu toàn trong tình yêu
Tình yêu là sự trải nghiệm, là tận hưởng những điều bất ngờ và mới mẻ do cả hai cùng tạo ra. Chính vì thế, nếu bạn cứ áp dụng tiêu chuẩn của mình cho người ấy hay đưa ra những yêu cầu khô khan thì mối tình này sẽ khó mà bền lâu. Hãy nhớ, tình cảm là chuyện của trái tim, cần sự thấu hiểu, sẻ chia, bao dung, khi lý trí can thiệp quá nhiều thì cảm xúc sẽ dễ bị ảnh hưởng.
4.2 Người cầu toàn trong công việc
Đối với những người cầu toàn trong công việc, họ luôn tin tưởng và hướng đến sự hoàn hảo. Do đó, nhóm này sẽ cố gắng dốc hết sức để thực hiện và đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết những người quá cầu toàn sẽ khó thành công trong sự nghiệp bởi một số lý do sau:
- Thứ nhất: Người cầu toàn khắt khe trong từng chi tiết và không tin tưởng người khác, luôn muốn mọi thứ hoàn hảo và tự tay làm tất cả nếu có thể. Ôm quá nhiều việc sẽ khiến họ không hoàn thành được mục tiêu, kết quả đạt được không tốt và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả trạng thái của bản thân. Chính vì vậy mà người quá cầu toàn thường khó thăng tiến trong sự nghiệp.
- Thứ hai: Đôi khi, người cầu toàn có thể mất đi sự sáng tạo hay bí ý tưởng vì tính cách có phần cứng nhắc, cách làm việc nguyên tắc, bảo thủ.
- Thứ ba: Người cầu toàn không muốn nhận những phản hồi tiêu cực từ người khác, khó chấp nhận thất bại. Điều này có thể dẫn đến việc khó thay đổi tư duy, khó tiến bộ hay phát triển trong tương lai.
- Thứ tư: Việc khắt khe với bản thân hay theo đuổi những tiêu chuẩn cao khiến họ khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Từ đó dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, sức khỏe không được đảm bảo.
Tuy nhiên, nếu biết kiểm soát mức độ cầu toàn hay nói cách khác là cầu toàn ở mức vừa đủ, linh hoạt thì chúng ta sẽ dễ thành công hơn. Ví như sự cầu toàn trong các nghề nghiệp bác sĩ, ngân hàng, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên… là điều tốt.
4.3 Người cầu toàn trong cuộc sống
Người cầu toàn và kiểm soát được sự cầu toàn có thể dễ thành công trong công việc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, việc kiểm soát mọi thứ quá cứng nhắc không phải là điều nên làm. Nó dễ khiến những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu… đặc biệt là kiểu người cầu toàn với người khác. Các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những tiêu chuẩn khắt khe.
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ về người cầu toàn cũng như đặc điểm và cách nhận biết nhóm người này. Trên thực tế, giống như mọi vấn đề, cầu toàn có mặt tốt và mặt xấu. Quan trọng là nhận thức và cách kiểm soát của mỗi người.
Nguồn ảnh: Internet