Từ bao đời nay, ca dao dân ca là một thể loại độc đáo, ẩn giấu bên trong là những giá trị nhân văn sâu sắc, bài học đạo đức sâu cay. Nó góp một phần không nhỏ vào việc khuyên bảo, răn dạy con người về cách đối nhân xử thế, sống yêu thương, chan hòa với mọi người. Để có thể hiểu rõ hơn về thể loại văn học này, hãy cùng tìm hiểu ca dao dân ca là gì nhé!
Tìm hiểu về ca dao, dân ca Việt Nam
Ca dao, dân ca là những bài thơ dân gian do nhân dân lao động sáng tác. Qua đó, thể hiện sâu sắc đời sống tinh thần và tư tưởng của người dân.
Ca dao dân ca là gì?
Theo nguồn gốc Hán – Việt, ca là phần bài hát hát được hòa với nhạc, dao là lời bài hát đó. Vậy ca dao là thơ ca dân gian được truyền miệng dưới dạng các câu hát không theo giai điệu nhất định, thường diễn đạt bằng thể thơ lục bát, giúp dễ ghi nhớ.
Còn dân ca là những bài hát dân gian có sự kết hợp giữa lời và nhạc, được nhân dân sáng tác, diễn xướng và lưu truyền cho đến ngày nay. Những sáng tác này có hoặc không có chương khúc, phổ biến rộng rãi ở trong dân gian như dân ca quan họ Bắc Ninh, hò Đồng Tháp, hát dặm Nghệ Tĩnh,…
Tóm lại, ca dao dân ca hiểu đơn giản là khái niệm để chỉ những thể loại sáng tác trữ tình dân gian, diễn tả tình cảm và đời sống nội tâm của người dân lao động. Các nhân vật trữ tình được nhắc đến trong ca dao dân ca khác với văn học viết. Vì tình cảm, cách bộc lộ tâm trạng của nhân vật mang tính chất chung của giới tính. Tuy nhiên, mỗi sáng tác đều mang một nét riêng độc đáo.
Ca dao và dân ca khác nhau ở điểm nào?
Ca dao là thể thơ dân gian, giàu hình ảnh so sánh và ẩn dụ. Nó diễn tả những tâm tư, tình cảm, tư tưởng của nhân dân trong các mối quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,… Những sáng tác này như lời ca yêu thương, tiếng than thở,… của người dân bên giếng nước, sau lũy tre làng.
Còn dân ca là bao gồm hình thức và môi trường diễn xướng và các làn điệu. Phần lớn dân ca lấy bối cảnh làng quê với đồng ruộng, giếng nước, gốc đa, mái đình,… làm môi trường diễn xướng. Đồng thời, diễn xướng có thể diễn cá nhân hoặc tập thể tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền.
Nội dung của ca dao dân ca
Trong nền văn học Việt Nam, ca dao dân ca là thể loại có nhiều nội dung đa dạng và phong phú, đặc biệt là ca dao dân ca trữ tình. Mỗi bài ca dao dân ca thể hiện khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên, phản ánh cuộc sống của cha ông ta từ ngàn xưa.
Ca dao dân ca trữ tình phản ánh chân thực tình cảm trong thế giới nội tâm con người. Nội dung bao gồm tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi. Hay cách đối nhân xử thế trong các mối quan hệ cha mẹ, anh em, và bạn bè.
Ngoài ra, ca dao dân ca nói lên hiện thực xã hội lịch sử đáng tự hào của dân tộc ta. Những vị anh hùng, những trận đánh vẻ vang, những cuộc kháng chiến trường kỳ hay các cuộc đấu tranh giai cấp,… lần lượt hiện hữu qua những câu ca dao dân ca. Tất cả tạo nên một bức tranh lịch sử vừa sinh động, vừa hào hùng, tráng lệ.
Đặc điểm thi pháp trong ca dao dân ca
Trong ca dao dân ca, đặc điểm thi pháp được thể hiện qua các yếu tố, đó là: nhân vật trữ tình, kết cấu, hệ thống hình ảnh và ngôn ngữ, thể thơ, thời gian và không gian nghệ thuật. Thi pháp là phương tiện giúp truyền tải nội dung của ca dao dân ca một cách sâu sắc và chính xác nhất.
Nhờ vào những hình thức nghệ thuật mà chúng ta dễ dàng cảm nhận và hiểu hơn những thông điệp ý nghĩa, những giá trị nhân văn trong ca dao dân ca. Từ đó, rút ra được bài học quý giá, giúp hoàn thiện bản thân mỗi ngày một tốt hơn.
Ca dao hài hước, châm biếm thói đời
Để phê phán thói hư tật xấu của con người, ông cha ta đã sáng tác nên những câu ca dao châm biếm hài hước nhưng không kém phần sâu cay, ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc về thực trạng cuộc sống xã hội.
- Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. - Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy Địa lý hàm răng chẳng còn. - Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh. - Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao. - Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng. - Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên thấu đến Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: “Đứa nào đốt rơm?” - Cá trong lờ đỏ lơ con mắt
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô. - Muốn ăn gắp bỏ cho người,
Gắp đi gắp lại, lại rơi vào mình. - Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng, thành riêng. - Thế gian chuộng của, chuộng công
Nào ai có chuộng người không bao giờ.
- Học hành ba chữ lem nhem
Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua. - Sống thì con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi. - Đàn bà chẳng phải đàn bà
Thổi cơm cơm khét, muối cà cà ôi. - Cái cò là cái cò kỳ,
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chửa đi đến chợ đã lo ăn quà.
Hàng bánh, hàng bún bày ra,
Củ từ, khoai nước cùng là cháo kê.
Ăn rồi cắp đít ra về,
Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào.
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng mua.
Nói dối là mua cho chồng,
Đem đến quãng đồng, ngả nón ra ăn.
Thoạt là đau bụng lăm răm,
Về nhà đau quẳn đau quăn dạ dày.
Đem tiền đi bói ông thầy,
Bói ra quẻ này, những chả cùng nem.
Cô nàng nói dối đã quen,
Nào tôi ăn chả ăn nem bao giờ. - Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. - Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng,
Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn. - Chồng người lo bảy, lo ba
Chồng em ở nhà sợ rụng lông chân. - Thầy cúng miệng đuổi tà ma,
Mắt lại nhìn gà nghĩ tới lá chanh. - Chính chuyên lấy được chín chồng
Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Ai ngờ quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng - Củ lang nấu lộn củ mì
Cháu lấy chồng dì kêu dượng bằng anh.
Ca dao dân ca Việt Nam về tình cảm gia đình
Tình cảm gia đình là chủ đề quen thuộc trong ca dao dân ca. Những câu hát thân quen ấy đề cao, ca ngợi sự yêu thương của cha mẹ, ông bà đối với con cháu, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm anh em. Hoặc lên án gay gắt với những đối tượng xem nhẹ tình cảm gia đình, đối xử tệ bạc với đấng sinh thành. Dưới đây là những câu ca dao, dân ca về tình cảm gia đình hay và ý nghĩa nhất.
- Đã rằng là nghĩa vợ chồng
Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời. - Đốn cây ai nỡ dứt chồi
Đạo chồng nghĩa vợ, giận rồi lại thương. - Đói no một vợ một chồng
Một miếng cơm tấm, giàu lòng ăn chơi. - Dì ruột thương cháu như con
Rủi mà không mẹ cháu còn cậy trông vào ai. - Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài, mẹ thức đủ năm canh. - Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn. - Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. - Ơn cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang. - Nuôi con mới biết sự tình
Thầm thương cha mẹ nuôi mình hồi xưa. - Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.
- Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. - Biển Đông còn lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng. - Anh em như bát nước đầy
Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau. - Anh em bốn bể là nhà
Người dưng khác họ vẫn là anh em. - Làm anh ăn trước, bước đầu
Dạy dỗ em út ngõ hầu thay cha. - Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ, thầy. - Trời cao, biển rộng, đất dày
Ơn cha nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên. - Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng. - Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu. - Ai về tôi gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ca dao dân ca về mẹ hay và cảm động nhất
Mẹ là tiếng gọi thiêng liêng chất chứa bao cảm xúc, tình cảm dạt dào. Chúng ta được nâng niu trên đôi bàn tay của mẹ, được nghe những câu hát ru ngọt ngào, êm ái trước khi chìm vào giấc ngủ. Mẹ tần tảo sớm hôm nuôi ta khôn lớn, yêu thương ta vô bờ bến. Vì vậy, hình ảnh thiêng liêng ấy trong những câu ca dao dân ca về mẹ mới đẹp làm sao!
- Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru. - Mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày. - Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau. - Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn. - Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già. - Mẹ già như ánh trăng khuya
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền. - Mẹ già một nắng hai sương
Trải thân làm bóng mát đường con đi. - Mẹ nghèo mưa dột mái tranh
Trải bao bất hạnh muôn phần gian truân. - Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm bú mớm biết bao thân tình. - Ôm con mẹ đếm sao trời
Đếm hoài không hết một đời long đong. - Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. - Mẹ già ở tấm lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
- Chiều chiều xách giỏ hái rau
Nhìn lên mộ mẹ ruột đau như dần. - Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng. - Ba tiền một khúc cá buôi
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già. - Đi đâu mà bỏ mẹ già
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai dâng? - Mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi mẹ tính tháng tính ngày. - Một mẹ nuôi được mười con
Nhưng mười con không nuôi được một mẹ. - Cầm cần rau cá ngược xuôi
Nấu canh rau bợ mà nuôi mẹ già. - Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng. - Mẹ già đầu tóc bạc phơ
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi. - Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa. - Vắng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau. - Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. - Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.
Những bài ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
Trong ca dao dân ca Việt Nam, nhân dân ta thường mượn những hình ảnh gần gũi, thân thương, điển hình như con cò để gửi gắm nỗi khổ cực trong cuộc sống, vạch trần bộ mặt xấu xa của giai cấp thống trị; đồng thời răn dạy thế hệ sau nhiều bài học quý giá. Sau đây, hãy cùng chúng tôi điểm qua những bài ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa.
- Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi. - Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? - Đem thân vào chốn cát lầm
Cho thân lấm láp như mầm ngó sen
Đêm đêm ngồi tựa bóng đèn
Than thân với bóng, giải phiền với hoa. - Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời! - Muối ba năm muối vẫn còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa.
- Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ,
Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi
Thuyền không bánh lái thuyền quầy
Con không cha mẹ ai bày con nên. - Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa. - Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đàng xa,
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo. - Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào!
Vặt lông cái vạc cho tao!
Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn. - Nhà giàu trồng lau ra mía,
Nhà khó trồng củ tía ra củ nâu.
Ca dao dân ca về tình yêu quê hương đất nước
Nhân dân ta sống và gắn bó với nơi mình ra, lớn lên nên họ luôn dành một tình cảm đặc biệt cho quê hương, đất nước. Bởi quê hương, đất nước không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự thiêng liêng trong tâm thức của mỗi con người. Hãy cùng chúng tôi đọc qua chùm ca dao dân ca về quê hương đất nước để cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp thanh bình, gần gũi nơi quê nhà.
- Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan. - Non Hồng ai đắp mà cao,
Sông Lam ai bới ai đào mà sâu? - Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. - Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn. - Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về. - Biên Hoà bưởi chẳng đắng the
Ăn vào ngọt lịm như chè đậu xanh. - Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em. - Đầm sen, bãi sậy, rừng tràm
Kinh dài xe đất, cây xanh rợp trời. - Tới đây xứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê. - Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi.
- Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. - Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ. - Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. - Đường lên xứ Lạng bao xa,
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi, đứng lại mà trông,
Kìa núi Thành Lạng, nọ sông Tam Cờ. - Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát.
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đồng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. - Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long. - Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ cô bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò. - Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay.
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày,
Hàng Cờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng.
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi. Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền. - Quê em có dải sông Hàn,
Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà. - Chợ Chì bán xảo bán sàng
Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay
Đình Bảng bán ấm bán khay
Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông.
Ca dao dân ca về tình yêu đôi lứa
Tình yêu nam nữ thắm thiết đã được ông cha ta miêu tả một cách tài tình, sống động thông qua những câu ca dao dân ca nói về tình yêu sau.
- Hôm qua trăng sáng tờ mờ,
Em đi tát nước tình cờ gặp anh. - Bao giờ cho đến tháng hai,
Con gái làm cỏ, con trai be bờ. - Bởi thương nên ốm, nên gầy
Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba trăng.
Ngó lên sao mọc như giăng
Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ. - Gió vàng hiu hắt đêm thanh,
Đường xa, dặm vắng, xin anh đừng về.
Mảnh trăng đã trót lời thề,
Làm chi để gánh nặng nề riêng ai! - Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa. - Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu. - Tình anh như nước dâng cao,
Tình em như dải lụa đào tẩm hương. - Thuyền ơi, có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. - Cô kia đi đường này với ta,
Trồng đậu, đậu tốt, trồng cà, cà sai.
Cô kia đi đường ấy với ai,
Trồng bông, bông héo, trồng khoai, khoai hà! - Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
- Trót đa mang vào kiếp bềnh bồng,
Xuống ghềnh lên thác, một lòng ta thương nhau! - Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau. - Ai đi muôn dặm non sông,
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy… - Đèn tà thấp thoáng bóng trăng,
Ai đem người ngọc thung thăng chốn này? - Lênh đênh như chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước, biết gửi mình vào đâu? - Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm, để chàng sang chơi! - Đêm năm canh nghe con dế thốt,
Ngày sáu khắc lần đốt ngón tay,
Hỡi ai, duyên cớ ai bày?
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo. - Anh ra đi cay đắng như gừng,
Đường xa xôi ngàn dặm, khuyên em đừng nhớ thương. - Trời mưa lác đác ruộng dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.
Bước chân xuống hái dâu này,
Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng.
Xa xôi ai có tỏ chừng?
Gian nan tâm khổ, ta đừng quên nhau! - Nhớ ai con mắt lim dim,
Chân đi thất thểu như chim tha mồi.
Nhớ ai hết đứng lại ngồi,
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.
Ca dao dân ca về thầy cô
“Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa và được thể hiện rất rõ qua những câu ca dao dân ca hay về thầy cô.
- Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy. - Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong. - Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai - Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây
Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu. - Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói đố mày làm nên. - Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi
Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng. - Mười năm rèn luyện sách đèn
Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy. - Mẹ cha công đức sinh thành
Ra trường thầy dạy học hành cho hay. - Ơn Thầy không bằng gốc bễ,
Nghĩa Thầy gánh vác cuộc đời học sinh. - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
- Công cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh. - Bẻ lau làm viết chép văn
Âu Dương có mẹ dạy răn như thầy. - Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên. - Đến đây viếng cảnh viếng thầy
Không say mùi đạo cũng khuây mùi trần. - Ở đây gần bạn gần thầy
Có công mài sắt có ngày nên kim. - Tạ ơn thầy đã dẫn con vào rừng trí thức
Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến biển yêu thương. - Mười năm luyện tập sách đèn
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy. - Yêu kính thầy mới làm thầy
Những phường bội bạc sau này ra chi. - Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi. - Học là học biết giữ giàng
Biết điều nhân nghĩa biết đàng hiếu trung.
Ca dao dân ca về tình bạn
Những câu ca dao, dân ca nói về tình bạn thể hiện rõ mối gắn kết chặt chẽ giữa những con người xa lạ với nhau. Có lúc những người bạn giúp chúng ta cân bằng lại cuộc sống, vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
- Bạn bè là nghĩa tương tri
Sao cho sau trước một bề mới nên. - Đi xa mà gặp bạn hiền
Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời. - Ai ơi nhớ lấy câu này
Tình bạn là mối duyên thừa trời cho. - Khi nào trái đất còn quay
Trái tim còn đập vẫn là bạn nhau. - Ra về nhớ bạn khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm cả năm. - Suốt đời gắn bó keo sơn
Cùng chung chí hướng cùng nhau kết tình. - Tình bạn là vạn bông hoa
Tình bạn là vạn bài ca muôn màu. - Sống trong bể ngọc kim cương
Không bằng sống giữa tình thương bạn bè. - Sông sâu sào vắn khó dò
Muốn qua thăm bạn sợ đò không đưa. - Cái cò, cái vạc, cái nông,
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca.
Muối kia đổ ruột con gà,
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.
- Bắt con cá lóc nướng trui,
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa. - Sông Cửu Long nghìn năm vẫn chảy
Nghĩa bạn bè mãi mãi không phai. - Bạn bè là nghĩa tương thân
Khó khăn, thuận lợi ân cần có nhau.
Bạn bè là nghĩa trước sau
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai. - Quen nhau từ thuở hàn vi,
Bây giờ sang trọng sá chi thân hèn. - Bạn vàng chơi với bạn vàng
Đừng chơi bạn vện, ra đàng cắn nhau.
Ca dao dân ca về con cò
Trong ca dao dân ca, con cò là hình ảnh ẩn dụ cho những người nông dân, phụ nữ Việt Nam thấp cổ bé họng, tần tảo sớm hôm. Bên cạnh đó, thông qua hình tượng này, nhân dân ta cũng tự phê bình một cách thân ái và đúng mực về những thói xấu của bản thân. Sau đây là những câu ca dao dân ca về con cò hay và ý nghĩa.
Ca dao dân ca con cò về người nông dân
- Một đàn cò trắng bay tung,
Bên nam, bên nữ, ta cùng hát lên! - Một đàn cò trắng bay quanh,
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta.
Mình nhớ ta như cà nhớ muối,
Ta nhớ mình như Cuội nhớ trăng. - Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò!
– Không, không tôi đứng trên bờ,
Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi.
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà vạc còn ngồi ở kia. - Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con. - Con cò chết rũ trên cây,
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích mặc quần vác mõ đi rao… - Cái cò chết tối hôm qua,
Có hai hạt gạo với ba đồng tiền.
Một đồng thuê trống, thuê kèn,
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong.
Một đồng mua mớ rau răm,
Đem về thái nhỏ thờ vong con cò. - Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà.
Mẹ đi một quãng đồng xa,
Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn.
Ông kia có chiếc thuyền nan,
Chở vào ao rậm, xem lươn bắt cò.
Ông kia chống gậy lò dò,
Con lươn tụt xuống, con cò bay lên. - Cái cò mà mổ cái tôm
Cái tôm quắp lại mà ôm cái cò.
Cái cò mà mổ cái trai,
Cái trai quắp lại mà nhai cái cò
Cái trai mày há miệng ra,
Cái cò nó mổ muốn tha thịt mày. - Cái cò mày mổ cái trai,
Cái trai quặp lại muốn nhai thịt cò. - Trời mưa quả dưa vẹo vọ,
Con ốc nằm co,
Con tôm đánh đáo,
Con cò kiếm ăn.
- Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ, bay về Đồng Đăng.
Con cò bay bổng bay la,
Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng. - Cha sinh mẹ đẻ tay không,
Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi.
Trước là nuôi cái thân tôi,
Sau nuôi đàn trẻ, nuôi đời cò con. - Con cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về,
Cò về đến gốc cây đề,
Có đứa rình bắn, cò về làm chi?
Cò về thăm bá, thăm dì,
Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông. - Con cò mắc dò mà chết,
Con quạ ở nhà mua nếp làm chay.
Con cu đánh trống bằng tay,
Chào mào đội mũ làm thầy đọc văn.
Chiền chiện vừa khóc, vừa lăn,
Một bầy se sẻ bịt khăn cho cò. - Con cò mà đậu cành tre
Thằng Tây bắn súng cò què một chân
Hôm sau ra chợ Ðồng Xuân
Chú khách mới hỏi: sao chân cò què?
Cò rằng: cò đứng bụi tre
Thằng Tây bắn súng, cò què một chân! - Con quạ ăn dưa bắt con cò phơi nắng
Nghĩ chuyện đời, con cò trắng con quạ đen
Con quạ mà biết mình đen
Nó đâu có dám mon men tới cò. - Cú mà biết phận Cú hôi,
Cú đâu lại dám đến ngồi cùng Tiên.
Quạ mà biết phận Quạ đen,
Quạ đâu lại dám mon men cùng Cò. - Con cò trắng toát như bông
Muốn nghe hát đúm mà không chịu vào
Nghĩ gì, cò đậu cành cao
Nghiêng nghiêng, nghé nghé nửa chào nửa e
Xuống đây cho ta nhắn nhe
Đừng đứng trên ấy gãy tre của làng. - Tới đây không hát thì hò
Đâu phải con cò cắm cúi mà ăn. - Con cò lấp lé bụi tre
Sao cò lại muốn lăm le vợ người
Vào đây ta hát đôi lời
Để cho cò hiểu sự đời, ở ăn
Sự đời cò lấy làm răn
Để cho cò khỏi băn khoăn sự đời.
Ca dao dân ca con cò về người phụ nữ
- Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm! - Cái cò lặn lội bờ sông
Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù
Bãi xa sông rộng sóng to
Vì lo cái bụng đi mò cái ăn. - Con cò lặn lội bờ sông
Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha
Em về giục mẹ cùng cha
Chợ trưa, dưa héo nghĩ mà buồn tênh - Cái cò lặn lội bờ ao
Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay
Em về giục mẹ cùng thầy,
Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong?
Cổ yếm em thõng thòng thòng,
Tay em đeo vòng như bắp chuối non.
Em khoe em đẹp em giòn,
Anh trông nhan sắc em còn kém xuân. - Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Chàng đi xa vợ xa con
Chàng đi đến tận nước non Cao Bằng
Chân đi nhưng dạ dùng dằng
Nửa nhớ Cao Bằng, nửa nhớ vợ con!
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non cùng người.
- Mặt trời lặn xuống bờ ao,
Có con cò mẹ bay vào bay ra.
Cò con đi học đường xa,
Thẩn thơ chỗ nọ, la cà chỗ kia.
Tối rồi mà chẳng chịu về,
Cơm canh mẹ đợi, còn gì là ngon. - Cái cò là cái cò con,
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ. - Em ơi em ngủ cho yên
Mẹ em đi cấy đồng chiêm suốt ngày
Con cò làm tổ trên cây
Con chim lẻ bạn nó bay đầu làng. - Con quạ đen con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh trông mãi, trông hoài
Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên. - Bắt cá mà gả cho cò,
Nửa đêm con vạc đưa đò rước dâu.
Cưới về buổi sáng hôm sau,
Mẹ cá buồn rầu ngồi gục nỉ non
Thấy cò đang rỉa thịt con
“Cò ơi, cò hỡi… bất nhơn thế này!”
Ca dao dân ca về đoàn kết, tương thân tương ái
Tình đoàn kết không chỉ là truyền thống mà còn là sức mạnh giúp đất nước ta khẳng định vị thế như ngày hôm nay. Điều này đã được khẳng định rất rõ qua những trang sử vàng của dân tộc. Không những vậy, câu ca dao dân ca Việt Nam về tình đoàn kết cũng là minh chứng, là bài học giá trị giáo dục thế hệ mai sau.
- Bắc Nam là con một nhà
Là gà một mẹ, là hoa một cành
Nguyện cùng biển thẳm non xanh
Thương nhau nuôi chí đấu tranh cho bền. - Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. - Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng. - Khi đói cùng chung một dạ
Khi rét cùng chung một lòng. - Một hòn chẳng đắp nên non
Ba hòn đắp lại nên cồn Thái Sơn.
- Thiếu cơm thiếu áo chẳng màng
Thiếu tình đoàn kết, xóm làng không vui. - Dây bầu bám chặt lấy giàn
Dân làng giữ chặt lấy làng mới hay
Đồng tâm ai sợ chi ai
Mình đông, Tây ít sức tài ai hơn - Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. - Anh em cốt nhục đồng bào,
Kẻ sau người trước phải hào cho vui.
Lọ là ăn thịt ăn xôi,
Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng. - Mưa mai sợ nỗi nắng chiều
Con người thất vận cũng nhiều người thương!
Ca dao dân ca về tình anh em ruột thịt
Tình cảm gia đình thiêng liêng được thể hiện đằm thắm, ngọt ngào nhưng không kém phần sâu sắc trong các bài ca dao dân ca Việt Nam. Trong đó, ca dao anh em là một phần quan trọng để tạo nên giá trị to lớn trên.
- Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy. - Đi việc làng giữ lấy họ
Đi việc họ giữ lấy anh em. - Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. - Chị em như chuối nhiều tàu
Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nặng lời. - Bao giờ cho lúa trổ bông,
Cho chị có chồng, em gặm giò heo
– Giò heo chị để chị treo
Em lấy giò mèo em gặm em chơi.
- Chị em một ruột cắt ra
Chị có em có mới là thân nhau. - Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần. - Anh em hiền thật là hiền
Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau. - Nhà em có vại cà đầy
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương
Dầu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no tuỳ cảnh, không thèm lụy ai. - Yêu nhau là chị em gái
Rái nhau là chị em dâu
Đánh nhau vỡ đầu là anh em rể.
Ca dao dân ca về lòng yêu nước
Lòng yêu nước luôn là đề tài vô tận trong thi ca Việt Nam và văn học dân gian cũng không ngoại lệ. Tinh thần quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối truyền thống cha anh viết nên trang sử vàng đã được thể hiện qua những câu ca dao nói về lòng yêu nước sau.
- Anh đi gìn giữ nước non,
Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ.
Anh ra đi lính Cụ Hồ,
Con sông, con hói, con đò đưa anh. - Con đò trong bãi nằm dài,
Em là du kích đợi hoài các anh.
Quân về mình biếc lá xanh,
Ngậm tăm lựa bóng trăng thanh xuống đò. - “Lẻ loi như cụm núi Sầm,
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”
Từ ngày giặc Mỹ kéo sang
Núi Sầm lửa dậy, Ô Loan sóng trào.
Quê mình tay súng, tay dao,
Đầm sâu làm huyệt, núi cao làm mồ.
Vùi thây Mỹ ngụy côn đồ,
Chôn mưu thâm độc, diệt trò gian ngoan.
Chừng nào Mỹ bại, ngụy tan,
Núi Sầm tươi mát, Ô Loan êm đềm… - Nước nguồn rồi đổ về sông,
Anh còn nhớ nước, nước không phụ tình. - Chị em đã quyết chẳng chùn
Hai vai áo ướt chân bùn đường trơn
Đường trơn thì mặc đường trơn
Em gánh thóc thuế chàng sờn hai vai
Trời mưa cho ướt lá khoai
Thóc em không ướt vì ngoài lá che
Đường xa chân bước tai nghe
Tin vui chiến thắng đưa về khắp nơi. - Thằng Tây đừng có ti toe
Đừng cậy súng lớn đừng khoe súng dài
Chúng tao giáo mác sơ sài
Nhưng lòng tao lớn, nhưng tài tao cao
Tỉnh Thanh thác đổ, sóng trào
Mày dăm ba mống làm sao đánh tày - Còn Tây còn vạ còn tai
Giết sạch lũ mày làng nước mới yên. - Làm trai đứng giữa Tháp Mười
Nêu gương anh dũng cho người đời sau. - Ruộng ta ta cấy ta cày
Không nhường một tấc cho bầy Nhật, Tây
Chúng mày lảng vảng tới đây
Rủ nhau gậy cuốc đuổi ngay khỏi làng. - Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn,
Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh.
- Tay bắt tay, chung long chung sức
Quyết diệt thù cứu quốc bạn ơi
Lòng em khôn tỏ hết lời
Kìa gương phấn dũng rạng ngời nước non. - Đứng trên cầu Cấm em thề
Chưa xong nhiệm vụ chưa về quê hương. - Chim bay về núi Chà Rang,
Nhớ người chí sĩ Cần Vương dựng cờ. - Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn,
Tình dân nghĩa nước một lòng sắt non. - Dù em con bế con bồng
Thi đua yêu nước vẫn không lơ là. - Hải Vân cao ngất từng mây,
Giặc đi đến đó bỏ thây không về. - Dù cho đế quốc trăm tay
Quyết không chia được đất này làm hai
Cho dù cạn nước Đồng Nai
Nát Chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền. - Đất trời Nam Bộ mênh mông
Người không khuất phục, cây không úa sầu. - Ăn trái khổ qua, ai nhả ra cho đặng
Dầu cay, dầu đắng cũng ráng nuốt trôi
Căm thù cay đắng mấy mươi
Ta phải ngậm suốt ba chục năm trời mới diệt hết xâm lăng. - Thực dân hỡi thỡi thực dân
Ðàng nào thì cũng một lần về thôi
Việt Nam của Việt Nam rồi
Cướp làm sao nổi đất người Việt Nam.
Ca dao dân ca hát ru hay nhất
Những khúc hát ru à ơi không chỉ đưa con vào giấc ngủ say mà còn là tri thức sơ khai góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và định hình nhân cách cho trẻ. Hát ru là những bài ca dao sẵn có, được người hát thêm những tiếng đệm, tiếng láy và tiếng đưa hơi để tạo nên phong thái ngân nga, êm dịu. Hãy cùng chúng tôi cảm nhận tình yêu thương hay vẻ đẹp của miền quê Việt Nam qua một số bài ca dao dân ca hát ru phổ biến dưới đây.
- Ru hơi, ru hỡi, ru hời…
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng, con ơi! - Ru hơi, ru hỡi, ru hời…
Làm trai đứng ở trên đời,
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta.
Ghé vai gánh vác sơn hà,
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu. - Ru em, em ngủ cho rồi,
Chị ra buồng củi chị ngồi quay tơ.
Năm nay tơ kén được mùa,
Chị xin thầy mẹ mua cho mấy đồng. - Ru em, em hãy nín đi,
Kẻo mà mẹ đánh em thì em đau.
Em đau chị cũng buồn rầu,
Bé mồm bé miệng, kêu đâu bây giờ! - Ru bồng, ru bổng, ru bông;
Mẹ ru con ngủ, mẹ dông lên làng.
Giật vay mớ gạo, mớ lang,
Ít nhiều qua bữa, quấy quang qua ngày.
Sinh con gặp phải buổi nay,
Bao giờ mở mắt, mở mày con ơi!
- Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt gà;
Buồn ăn bánh đúc, bánh đa;
Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê. - Mẹ ru con ngủ cho ngoan,
Mẹ còn xúc nốt xe than cho đầy,
Mẹ ru con ngủ cho say,
Làm xong chuyến nữa nghỉ tay mẹ về. - Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Con tằm đã chín, con dê đã mùi.
Con tằm đã chín, để lại mà nuôi,
Con dê đã mùi, làm thịt em ăn. - Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được mười tám mười chín con trê,
Cầm cổ lối về cho cái ngủ ăn.
Cái ngủ ăn chẳng hết,
Để dành đến tết mùng ba.
Mèo già ăn trộm,
Mèo ốm phải đòn.
Mèo con phải vạ,
Con quạ đứt đuôi.
Con ruồi đứt cánh,
Đòn gánh có mấu.
Củ ấu có sừng,
Bánh chưng có lá.
Con cá có vây,
Ông thầy có sách.
Thợ ngạch có dao,
Thợ rào có búa.
Sảy lúa có sàng,
Việc làng có mõ.
Cắt cỏ có liềm,
Câu liêm có lưỡi.
Cây bưởi có hoa,
Cây cà có trái.
Con gái có chồng,
Đàn ông có vợ.
Kẻ chợ có vua,
Trên chùa có bụt.
Cái bút có ngòi,
Con voi có quản. - Bồng bồng mà nấu canh tôm,
Ăn vào mát ruột, đến hôm lại bồng.
Bồng bồng mà nấu canh khoai,
Ăn vào mát ruột, đến mai lại bồng.
Một số bài ca dao về lao động sản xuất
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, những câu ca dao hay về cuộc sống và lao động sản xuất luôn để lại cho nhiều thế hệ sau những bài học quý giá. Đồng thời phác họa nên bức tranh thôn quê yên bình với vẻ đẹp của người nông dân trong lao động.
- Lập thu mới cấy lúa mùa,
Khác nào hương khói lên chùa cầu con! - Trên trời mây trắng như bông.
Ở giữa cánh đồng, bông trắng như mây.
Mấy cô má đỏ hây hây,
Đội bông như thể đội mây về làng. - Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. - Giã ơn cái cối, cái chày,
Nửa đêm gà gáy, có mày, có tao.
Giã ơn cái cọc cầu ao,
Nửa đêm gà gáy, có tao, có mày. - Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng.
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu. - Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi. - Quanh năm cấy hái cày bừa
Vụ chiêm tiết hạ, vụ mùa tiết đông.
Ai về nhắn chị em cùng
Muốn cho no ấm nghề nông chuyên cần. - Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. - Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. - Trời ơi, nắng mãi làm chi
Rau con nó mệt nữa thì nó đau.
- Tre già anh để pha nan,
Lớn đan nong nẻ, bé đan giần sàng.
Gốc thì anh để kê giường,
Ngọn ngành anh để cằm giàn trầu, dưa. - Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng. - Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày vợ cấy, trong lòng vui thay.
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy, em xay em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt, tiền nhiều,
Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng.
Đói no có thiếp, có chàng,
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình. - Nàng về buôn bán cho ngoan,
Để anh giã giấy kiếm quan tiền dài. - Vác cày ra ruộng hừng đông
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng dầm, nước cả, bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa
Cơm ăn đắp đổi muối dưa qua ngày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Biết công kẻ cấy người cày mới nao. - Sông sâu mà biển cũng sâu
Muốn ăn cá lớn, rong câu cho dài. - Tằm có lứa, ruộng có mùa
Chăm làm trời cũng đền bù có khi. - Năm canh chỉ ngủ có ba
Hai canh lo lắng để mà làm ăn. - Trời cao đất rộng thênh thang
Tiếng hò, giọng hát ngân vang trên đồng.
Cá tươi gạo trắng nước trong,
Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê. - Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm.
Sáng ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong, rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gầu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Ca dao dân ca Bắc Bộ
Với mỗi người Việt, ca dao dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu, thấm đượm nghĩa tình, được đúc kết từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ những cái hay cái đẹp của đời sống. Mỗi vùng miền lại có những bài ca dao dân ca mang đậm nét đặc trưng.
Ca dao dân ca quan họ Bắc Ninh
- Trống cơm khéo vỗ nên vông,
Một bầy con sít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ.
Thương ai duyên nợ tang bồng… - Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi. - Ai làm chiếc nón quai thao?
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh…
Em là con gái Bắc Ninh
Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo - Dưới giời mấy kẻ biết ra,
Biết ra chỉ có vùng nhà mà thôi
Trong sáu tỉnh nghe đà chưa tỏ
Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh
Yêu nhau nghĩ lại xuân tình
Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường. - Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than, quạt nước, pha trà mời người xơi
Trà này ngon lắm người ơi!
Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng.
- Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng
Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta
Yêu nhau đứng ở đằng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần. - Tay tiên chuốc chén rượu đào
Đổ đi thời tiếc, uống vào thời say. - Người về em vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người về em dặn mấy nhời
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua
Người về em dặn mấy nhời
Đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi em. - Một ngày ba bẩy lần thăm
Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười. - Chơi cho nước Hán sang Hồ
Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào
Chơi cho chín trận mưa rào
Một trăm trái núi lọt vào trôn kim
Chơi cho bong bóng thì chìm
Đá bia thì nổi gỗ lim mập mờ
Chơi cho bể cạn sông khô
Căng buồm xuôi gió Hán Hồ gặp nhau
Chơi cho sông Lục sáu đầu
Cạn sông hết nước giồng mầu giữa sông
Chơi cho con ốc có sừng
Con lươn có vẩy mới ngừng đi chơi.
Ca dao dân ca Phú Thọ
- Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba. - Gắng công kén hộ cốm Vòng,
Kén chồng Bạch Hạc cho lòng ai vui. - Ai lên Phú Thọ thì lên,
Lên non Cổ Tích, lên đền Hùng Vương.
Đền này thờ tổ Nam Phương,
Quy mô trước đã sửa sang rõ ràng.
Ai ơi nhận lại cho tường,
Lối lên đền Thượng sẵn đường xi măng.
Lên cao chẳng khác đất bằng,
Đua nhau lũ lượt lên lăng vua Hùng. - Sông Thao nước đục người đen,
Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về. - Gắng công kén hộ cốm Vòng,
Kén chồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.
- Lá hồ chợ São gánh ra,
Móc ở chợ Lối bán ra vở ngoài,
Khua nón thì ở chợ Luông,
Cái nón đôi luồng nó ở chợ Dưng. - Mưa từ Hùng Nhĩ mưa ra,
Mưa khắp thiên hạ, mưa ra bến Tuần.
Nước sông Rân chảy về dồi dội,
Lòng em bối rối chờ đợi lấy anh.
Trận này nức tiếng thơm danh. - Ai ơi mua dó khó lòng,
Không đi lên Ẻn thì mong nỗi gì. - Ai qua núi Tản sông Đà
Ghé qua Tu Vũ mặn mà tình thương. - Văn Lang có một con lươn
Thịt thì nướng chả còn xương đẽo cày.
Ca dao dân ca miền Trung
Ca dao dân ca miền Trung rất phong phú, ca từ mộc mạc nhưng chứa đựng vô vàn giá trị nhân văn sâu sắc, vừa ca ngợi chính nghĩa, đề cao lao động, vừa đả kích thói hư tật xấu, sự bóc lột tàn nhẫn của giai cấp thống trị.
Ca dao dân ca Phú Yên
- Lấy chi vui với thu tàn
Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu. - Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương. - Vũng Dông, Vũng Lâm, vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ, vũng nào cũng thương. - Nước ròng chảy thấu Tam Giang
Sầu đông chín rụng sao chàng bặt tin?
Bốn mùa Xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi vá lưới những trông bóng chàng
Dừa xanh trên bến Sông cầu
Dừa bao nhiêu trái, dạ em sầu bấy nhiêu … - Ngó ra Hòn Dứa, Hòn Than
Hòn Chùa bãi cát chứa chan nỗi sầu
Anh muốn qua thì bắt nhịp cầu
Thăm nàng tri kỷ dãi dầu nắng mưa.
- Ngó lên Mỹ Thạnh cảnh tiên,
Cảnh tiên không thấy, thấy duyên của mình. - Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp nhiều khoai
Ngó xuống Đồng Dài nhiều mía nhiều tranh. - Vinh Ba đan cót đan gàu
Phú Diễn chằm nón, Xóm Bàu vớt rong. - Muốn qua Soi Bún ăn dưa
Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời. - Cũng vì ngọn nước sông Dinh
Nay trừng mai rặc, điệu chung tình nổi trôi.
Ca dao dân ca Nghệ Tĩnh
- Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ
Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu
Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thửa vui sầu
Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng. - Ai về Cửa Hội quê tôi
Cá thu, cá nục, cá mòi thiếu chi. - Hùng Sơn cao ngất mấy trùng
Nam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu. - Đức Thọ gạo trắng nước trong
Ai về Đức Thọ thong dong con người. - Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc lục chợ Hạ, uống chè Hương Sơn.
- Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ. - Ai về Hồng Lộc thì về
Ăn cơm cá Bàu Nậy,
Uống nước chè khe Yên. - Thanh Chương ngon cá sông Giăng
Ngon khoai La Mạ, ngon măng chợ Chùa. - Ai hay mít ngọt, trám bùi
Có về Cát Ngạn với tui thì về. - Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài.
Ca dao dân ca xứ Huế
- Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì sợ sóng Thần hang Dơi. - Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non. - Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trản đến Vạn Kim Long
Sương sa, gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương. - Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá,
Thuyền về Vỹ Dạ đến ngã ba Sình,
Là đà sóng ngã trăng chênh,
Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non. - Ngọ Môn năm cửa, chín lầu
Cột cờ ba bậc, Phu Văn Lâu hai tầng.
- Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm anh ơi,
Mấy lâu nay mang tiếng chịu lời,
Có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà ra. - Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông. - Bao Vinh cạn bợt hẩm bờ,
Ghe thuyền lui tới mẹ chờ duyên con. - Ông tha mà bà chẳng tha,
Trời cho cái lụt 23 tháng 10. - Ru em cho théc cho muồi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh,
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Ca dao dân ca Quảng Nam
- Biết nhau làm chi cho thiếp thương chàng nhớ,
Hay như hồi xưa kia, thiếp chớ chàng đừng.
Đặt mình xuống chiếu, chiếu phẳng dính lưng,
Bưng bát cơm để xuống, cứ tưởng trông chừng ai theo. - Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng. - Ốc bươu An Thái, trâu nái Cát Cao
Bê thui Cầu Mống, cá bống Hội An
Mua heo Chợ Vạn, mua búa Chợ Chùa. - Rủ nhau cơm gói ra Hòn
Muốn ăn được yến phải lòn hang Khô. - Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gửi lên.
- Lấy chồng về đất Mỹ Xuyên (Duy Xuyên)
Bắp rang, canh hến nứt niềng cối xa. - Hội An có Hạ – uy – di
Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ. - Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều
Buổi mai mắc cửi, buổi chiều tơ giăng. - Quảng Nam sản phẩm muôn ngàn
Trà My rừng quế, kho vàng Bồng Miêu. - Muốn về Trà Quế trồng rau
Sợ e gánh nước hai gàu không quen.
Ca dao dân ca Bình Định
- Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Ðịnh bỏ roi đi quyền. - Hải sản tươi ngon lườn mực cá
Song Thằn hảo hạng đậu cà xanh. - Dòng sông Côn thấm tình non nước
Dân làng nghề cất được rượu ngon
Giữ nghề từng lớp cháu con
Trải qua dâu bể vẫn còn nghề tinh
Rượu đầy ly bọt trắng tinh
Chung vui đối tửu đất trời lung linh. - Ai về Vĩnh Thạnh quê em
Ăn nem Chợ Huyện, đêm xem hát tuồng - Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm.
- Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi. - Nón ngựa Gò Găng
Bún Song thằn An Thái
Lụa Ðậu tủ Nhơn Ngãi
Xoài tượng chín Hưng Long
Mặc ai mơ táo ước hồng
Lòng quê em giữ một lòng trước sau. - Cầu Ðôi đứng cạnh Tháp Ðôi
Ðôi ta đẹp lứa đẹp đôi trên đời. - Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển
Cảm thương người một kiểng hai quê
Cầu Ðôi liền lối đi về
Mịt mùng mây phủ An Khê, Phú Tài. - Gò Bồi có nước mắm cơm
Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.
Ca dao dân ca miền Nam
Ca dao dân ca Nam Bộ là sự hội tụ, phát huy những truyền thống của ngôn ngữ trong ca dao – dân ca dân tộc được cha ông từ các miền ngoài “gồng gánh” mang vào, đồng thời là quá trình sáng tạo dựa vào “chất liệu” từ hoàn cảnh sống, lịch sử, mục đích giao tiếp.
Ca dao An Giang
- Anh đi lên Bảy Núi,
Anh chạy thẳng núi Tà Lơn,
Căn nợ keo sơn, thấu đến ông Trời;
Ngó lên trời thấy trời cao,
Ngó xuống đất thấy đất thấp,
Anh đến tam cấp
Lập Cửu Trùng Đài
Thời hư trời khiến; anh lập hoài cũng phải nên. - Anh đi Châu Đốc Nam Vang,
Viết thơ nhắn lại em khoan lấy chồng. - Ba phen quạ nói với diều,
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm. - Chàng đi Châu Đốc, Nam Vang,
Nỗi sầu em chịu đa mang một mình. - Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Dốc nào cao bằng dốc Cần Thơ
Anh thương em lững đững lờ đờ
Giả như Tôn Các mà chờ Bạch Viên.
- Tri Tôn – Châu Đốc rất gần
Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm. - Ngó lên Châu Đốc,
Thấy gốc bần trôi.
Ngó xuống Vàm Nao,
Thấy sóng bủa lao xao.
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại, chút nào hay không? - Hang Tra là xứ quê mùa,
Đi thăm cháu ngoại cho vùa Cà na. - Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang?
Một tiếng anh than,
Hai hàng lụy nhỏ,
Có cha mẹ già biết bỏ cho ai? - An Giang cảnh trí mỹ miều,
Ta thương, ta nhớ, ta liều ta đi.
Ca dao Đồng Tháp
- Tháp Mười nước mặn đồng chua
Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng. - Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm
Ai đi Châu Đốc, Nam Vang
Ghé qua Đồng Tháp bạc ngàn bông sen. - Tháp Mười gạo trắng, nước trong
Cá tôm đầy ruộng, thong dong từng đàn. - Mỹ Trà gạo trắng, nước trong
Ai về bên ấy thong dong con người. - Sông Tiền, sông Hậu cùng nguồn
Thuyền ghe tấp nập bán buôn dập dìu.
- Tháp Mười sông nước mênh mang
Sông bao nhiêu nước, trai hùng bấy nhiêu. - Tam Nông chiến đấu rất tài
Quản Cung gò ấy, đến nay còn truyền. - Ai qua Sa Đéc, Lấp Vò
Nhớ kinh Vĩnh Thạnh, giọng hò Tân Dương. - Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. - Quân ta đóng tại Tân Hồng
Đánh tan tàu Pháp tại sông Bình Thành.
Ca dao Đồng Nai
- Đồng Nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um. - Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng. - Hết gạo thì có Đồng Nai
Hết củi thì có Tân Sài chở vô. - Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về. - Đồng Nai nguồn mọi cao sang
Chảy xuống hai hàng, hàng Đại, hàng Sâm.
- Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền. - Nước Đồng Nai sóng dồi lên xuống
Cửa Đồng Môn mây cuốn cánh buồm xuôi. - Ngó lên Châu Thới có đám mây bạch
Ngó xuống Rạch Cát thấy con cá trạch đỏ đuôi. - Trà Phú Hội, nước Mạch Bà
Sầu riêng An Lợi, chuối già Long Tân
Cá buôi sầu huyết Phước An
Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Tam An… - Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Ca dao Bến Tre
- Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.
Bến Tre biển cá sông tôm,
Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng. - Quê anh có cửa biển sâu
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.
Quê em hai dải cù lao
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu. - Nước Cửu Long sóng rờn cuồn cuộn,
Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi.
Bậu với qua hai mặt một lời,
Trên có trời, dưới có đất,
Ngãi trăm năm vương vấn tơ mành. - Em là con gái Giồng Trôm
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Yêu em anh phải nhớ ghi
Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu. - Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời
Tinh thần Cách mạng đỏ trời vàng sao.
- Bến Tre gái đẹp thiệt thà
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên. - Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối
Gái nào giỏi bằng gái Bến Tre. - Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng
Cảm thông đôi má ửng hồng
Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm. - Bến Tre có món tép rang
Dừa khô béo ngậy, tìm nàng sánh duyên. - Ai về Chợ Giữa, Xóm Dưa,
Ruộng nương giúp mẹ, nắng mưa chẳng màng.
Ai về Thạnh Phú, Tân Hương
Để mong để nhớ, để thương trong lòng.
Ca dao dân ca là những câu hát dân gian do nhân dân sáng tác lúc lao động và sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những bài học chân lý, là lời răn dạy cách làm người được đúc kết từ thực tiễn của cha ông ta từ ngàn xưa.