Văn học chiến tranh Việt Nam (phần 3)

Home / Chuyên đề / Đất nước Việt Nam / Văn học chiến tranh Việt Nam (phần 3)

Văn học chiến tranh từ thập kỉ 90 trở đi đa phần là tiếng nói của những chấn thương. Đó là nền văn học của rất nhiều chấn thương, rất nhiều ám ảnh chiến tranh nhìn từ nhiều phương diện.

3. Văn học chiến tranh nhìn từ bối cảnh thời kì đổi mới 1986 – tiếng vọng nhân bản và cuộc tìm kiếm sự thật đời sống sau chiến tranh

“Những cuộc chiến tranh có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt người vợ goá, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị thương. Những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa thay bằng những luống cày mới, nhưng rất lâu, rất lâu trong mẩu bánh vẫn lưu lại mùi vị chua của bụi đất và thương đau” (Văn hoá và đời sống, số 6-1980). Nhận định này của Bôrit Vaxiliep thật trùng khớp biết bao với hiện thực hậu chiến ở Việt Nam. Khoảng thời gian từ 1975 đến 1986, văn học Việt Nam đã bắt đầu chạm tới những xung đột không tránh khỏi của một xã hội đang cố hàn gắn vết thương chiến tranh. Những xung đột khốc liệt đến mức đã có những cuộc hoán vị giữa anh hùng và hèn yếu, cao thượng và tính toán, lí tưởng và sa đoạ, … Những người lính trở về từ cuộc chiến không còn quán tính sống chết nữa, mà phải đối diện với trăm ngàn điều đời thường, nhiều sự oái ăm bi hài, nhiều nghịch cảnh không thể cứu chữa. Văn học loay hoay trước những sự lệch pha dữ dội giữa định hướng sáng tác cũ và những vấn đề đặt ra của cuộc sống mới.

Trở lại chủ đề chiến tranh, văn học một mặt tìm kiếm những giá trị tinh thần cũ, tri ân sâu sắc những hi sinh thiêng liêng của đồng bào, làm nổi rõ tầm vóc cuộc chiến tranh bằng những trận đánh và tượng đài bất tử của những chiến binh vĩ đại, mặt khác, nó cũng thấy rằng cần phải nhìn chiến tranh từ chiều kích của thảm hoạ nhân văn của con người, chiến tranh với tất cả những xung đột tàn nhẫn từ bên trong đến bên ngoài, không chỉ huỷ hoại mạng sống con người mà còn huỷ hoại cả kí ức và khả năng sống bình thường của con người, đầu độc cuộc sống con người ở những tầng sâu nhất.

Theo Nguyễn Chí Hoan, văn học chiến tranh giai đoạn này đã mở rộng cái nhìn trước đây của những người đã chiến thắng trong chiến trận, mở rộng vào những quan sát nhiều chiêm nghiệm hơn, tức là chân thật hơn về chính mình và về con người đối phương, tạo nên phẩm chất đối thoại của nền văn học đổi mới: “Tính đối thoại của văn chương về chiến tranh gần gũi tự nhiên với tính đối thoại từ một lịch sử chân thực và sinh động”.

Tiểu thuyết Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, tuy được viết vào năm 1979 nhưng là một tác phẩm quan trọng cảm nhận chiến tranh từ phía khác, không hoàn toàn đi theo dòng độc thoại tôn vinh của văn học cách mạng. Cuộc chiến được mô tả trong Đất trắng không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng Ta-Địch mà còn là trận chiến của những con người bình thường có, anh hùng có, hi sinh có, tính toán có… Đó là góc khuất bi thảm của chiến tranh mà ít nhà văn thời chiến có thể khắc hoạ. Âm hưởng “nghiền ngẫm” các giá trị khác của cuộc chiến từ tác phẩm này đã góp phần tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm viết về chiến tranh từ thập kỉ 80 trở đi.

Một trong những điểm nhấn của văn học chiến tranh là tác phẩm Bến không chồng của Dương Hướng. Tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, được dựng thành phim. Nhưng cao hơn hết, nó là tiếng nói chân thật và đau xót về cuộc sống những con người ở làng quê nghèo bắc bộ. Nhà văn Nguyên Ngọc đã bình luận tác phẩm này như sau: ”Đến Bến không chồng của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp càng mạnh mẽ, thống thiết hơn: một con người quá tốt, suốt đời lo cho hạnh phúc của mọi người, nhưng đến một chút hạnh phúc của riêng mình thì không bao giờ dám, coi một chút hạnh phúc riêng tư là tội lỗi như một tội ác”.

Trong Cỏ lau, một tác phẩm quan trọng của Nguyễn Minh Châu thời kì đổi mới, nhân vật người vợ cũ tha thiết mong chồng trở lại, người lính trở về tuy đau đáu một nỗi niềm nhưng anh thừa hiểu nghịch cảnh hiện tại, mọi thứ đã an bài và không thể thay đổi được nữa. Hình dung ra cuộc sống ngày mai “suốt đời người lính già sống cùng ông bố giữa những người đàn bà bằng đá đầy cô đơn”, Nguyễn Minh Châu đã đưa ngòi bút lách sâu vào những nỗi niềm không dễ nói bằng lời. Chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn còn đó nỗi đau của người lính: “Khắp bốn phía trời những hòn vọng phu đứng nhan nhản thật là đủ dáng đủ hình đủ tư thế của một thế giới đàn bà đã sống trải qua bao nhiêu thời can qua. Chiến tranh dường như đang tụ hội về đây, mỗi người một ngọn núi đang đứng một mình vò võ, chon von xen các chóp núi đá cao ngất, người ôm con bên nách, người bế con trước ngực, người cõng con sau lưng, hai tay thẳng xuống, quay mặt về đủ các hướng, các dải chân trời có súng nổ, có lửa cháy”– ý tưởng “khủng khiếp này” của Nguyễn Minh Châu đã làm bật lên biết bao suy nghĩ về số phận của dân tộc, của người dân chịu quá nhiều đau khổ bởi chiến tranh.

Nhìn từ chủ đề chiến tranh, một tác giả thời bình rất có dấu ấn là Chu Lai. Ông là nhà văn quân đội, bản thân ông đã có 10 năm làm lính đặc công ở Sài Gòn. Hai tác phẩm lớn của Chu Lai: Ăn mày dĩ vãng (1991), Khúc bi tráng cuối cùng (2004) được xem là những tác phẩm có giá trị trong nhận thức con người thời chiến. ”Ông mô tả họ một cách bình thường nhất, giản dị nhất và cũng con người nhất. Người lính của Chu Lai không chỉ biết có chiến đấu vì lí tưởng, biết đấu tranh, giành giật sự sống trước bom đạn, trước kẻ thù mà cũng có những suy tư, tính toán thiệt hơn… nhưng cuối cùng họ vượt qua tất cả để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc”. Chính Chu Lai từng bộc bạch: ”Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính”. Văn chương ông là câu chuyện của những cái tận cùng, cố gắng hướng đến cái tận cùng, nỗi khổ niềm vui, hi vọng và tuyệt vọng, can đảm và yếu hèn, tất cả phải được nổi lên một cách không nhợt nhạt.

Năm 2011, Giải thưởng Châu Á của Báo Kinh Tế Nhật Bản (Nikkei Asia Priszes) đã được trao cho nhà văn Bảo Ninh, đại diện đầu tiên của Việt Nam được nhận giải với tư cách là nhà văn. Đây là lần trao giải lần thứ 16 của báo Kinh Tế Nhật Bản cho những người Châu Á có cống hiến xuất sắc trên ba lĩnh vực: Kinh Tế, Kĩ Thuật, Văn hoá. Giải văn hoá được xét tặng nhà văn Bảo Ninh do những cống hiến của ông trên lĩnh vực văn học, đặc biệt với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (xuất bản tại Việt Nam năm 1991). Tác phẩm thành công vang dội này được dịch sang tiếng Nhật hai lần, năm 1997 và năm 1999. Tác phẩm cũng được Nhật Bản đánh giá là tinh hoa văn học thế giới. Điểm lại sự kiện này là cách để người đọc trở về chuỗi sự kiện từ sau khi tác phẩm ra đời. Trước giải thưởng châu Á, tiểu thuyết chiến tranh của Bảo Ninh đã gây chấn động nước Mĩ và toàn thế giới về sự thê thảm chân thực của nó, về nỗi ám ảnh rất con người của nó. Nguyên Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người quyết định trao giải thưởng cho tác phẩm này năm 1991 đã nói: “Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó mô tả một cuộc kiếm tìm nặng nhọc của chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằn quại và đầy trách nhiệm, quằn quại vì đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm”. Một cảm nhận khác của Nguyên Ngọc cho người đọc thấy rõ hơn tầm vóc cuốn tiểu thuyết: “Bảo Ninh là người đầu tiên trong văn học hiện đại ở Việt Nam nhìn chiến tranh từ số phận của một cá nhân con người. Vậy nên anh đã cho thấy một cuộc chiến tranh khác, không ngược nghĩa, không phủ định, không chống lại cuộc chiến tranh được mô tả trong các tác phẩm trước đó(…) nhưng là một cuộc chiến tranh khác (…) Tính đa nghĩa của thế giới, của chiến tranh, của ngay cuộc chiến tranh vừa qua vốn dĩ vẫn được coi là vô cùng thiêng liêng, thấm đẫm trong tiểu thuyết của Bảo Ninh (…) Bảo Ninh là người đầu tiên vượt qua được một cách rõ rệt hơn cả ngôn ngữ độc thoại của sử thi, đạt đến ngôn ngữ đối thoại của tiểu thuyết”.

Năm 1994, bản dịch Anh ngữ The sorrow of the war của Phan Thanh Hảo và Frank Palmos là bản dịch đầu tiên tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Giống như hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, được cho cây bút truyện ngắn thời kì đổi mới đã gây ra một hiệu ứng “sau Thiệp người ta không thể viết như trước nữa”; Sau Bảo Ninh, người ta không thể viết về chiến tranh theo kiểu cũ nữa. Thậm chí, The Guardian, một tờ báo Anh đã viết: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống. Bất kì nhà chính trị hoặc nhà hoạch định chính sách nào của Mĩ cũng cần nên đọc cuốn sách này. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng được thế”.

Tác phẩm của Bảo Ninh, theo cái nhìn của độc giả Mĩ, là sự kết hợp các yếu tố: câu chuyện cổ điển về chiến tranh, về tình yêu và suy nghĩ của cá nhân về bản chất đời sống. Nỗi buồn chiến tranh không chỉ là câu chuyện trong thời sự văn đàn, nó còn đi vào các trường học Mĩ, nó là bằng chứng cho những cái gọi là Vietnam War, “hội chứng chiến tranh Việt Nam” … Nhiều học giả, giáo sư Mĩ đã nhìn thấy sự thực là Nỗi buồn chiến tranh còn đặt ra những mối quan tâm về tâm linh, về những ám ảnh của cái chết và người chết đối với thế giới sự sống, với những người đang sống. Những câu chuyện thê thảm về hồn ma trong cuốn sách ấy là dấu ấn sự huỷ hoại các giá trị văn hoá mà bất kì cuộc chiến tranh nào cũng gây ra.

Nhận định này của Tim O’Brien về Bảo Ninh đã tìm thấy nhiều sự đồng thuận của người Việt: “Các truyện viết về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kì truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”. Cuối cùng, người tổng kết danh giá nhất cho sự nghiệp Bảo Ninh có lẽ là Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United State): “Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kĩ lưỡng dưới ánh sáng gắt của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh (…). Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người”.

Bên cạnh thành công của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, văn học chiến tranh Việt Nam trên con đường mới còn được củng cố bởi những tác phẩm có giá trị khác như Cao hơn bầu trời, mùa hè giá buốt của Văn Lê, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Những bức tường lửa, Đối chiến của Khuất Quang Thuỵ, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Thượng Đức, Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Dòng sông mang lửa của Hồ Sĩ Hậu…Những sáng tác về chiến tranh trong bối cảnh mới có sức nặng, đánh động vào trái tim con người thời hậu chiến bằng tất cả những sự phong phú và trắc ẩn của đời sống, tâm hồn từng bị bỏ quên trong thời chiến.

Trong lĩnh vực truyện ngắn, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ghi một dấu ấn đặc biệt trong cảm hứng bi kịch thời bình. Nhân vật Tướng Thuấn là nhân chứng bất đắc dĩ cho sự thật hãi hùng của nỗi ám ảnh đồng tiền trong xã hội hậu chiến. Ông không còn tìm thấy ý nghĩa gì để sống trong chính ngôi nhà của mình, trước hành động vô nhân tính đến kinh ngạc của người con dâu và sự lạnh lùng của những đứa con. Ông thấy lạc lõng, lạc lõng đến chết.

“Tướng về hưu, bằng một lối viết lạnh lùng, sắc sảo, phơi bày một hiện tượng chưa từng thấy trong văn học trước đó: sự hoang mang và bất lực của một người anh hùng trong chiến tranh trước thực trạng hỗn loạn của xã hội sau chiến tranh”. (Nguyên Ngọc).

Chiến tranh, theo cách nhìn khác, đã tạo ra những hệ luỵ khủng khiếp, là cuộc sống hoang mang sau tấm huy chương. Những trang viết về sự thật gân guốc, cay đắng mà con người phải chịu trong chiến tranh cũng được nhiều nhà văn khắc hoạ như hàng loạt tác phẩm: Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, Bản lí lịch tự thuật của Y Ban, Bóng ma đói quê hương của Vũ Bão, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Mười ba bến nước của Sương Nguyệt …

Có thể nói, văn học chiến tranh từ thập kỉ 90 trở đi đa phần là tiếng nói của những chấn thương. Đó là nền văn học của rất nhiều chấn thương, rất nhiều ám ảnh chiến tranh nhìn từ nhiều phương diện. Ở đây, tính đối thoại trong văn chương chiến tranh, ý thức đối thoại cùng với văn hoá dung dị của người Việt đã đưa tiếng nói từ hai chiến tuyến trở thành tiếng nói của nhân bản.

Với những sự thật khủng khiếp được văn học nói ra bằng biểu tượng, bằng ám ảnh, có lẽ Nguyễn Ngọc đã đúng khi cho rằng: “Hoá ra đời sống trong hoà bình phức tạp hơn trong chiến tranh rất nhiều. Chiến tranh ác liệt, nhưng đơn giản. Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào mối quan hệ duy nhất: sống – chết. Người ta phải sống phi thường, phi thường có thể là cao cả, nhưng phi thường cũng đồng thời là triệt tiêu đi bao nhiêu quan hệ bình thường mà vô cùng phong phú và phức tạp của đời sống con người, đẩy tất cả các quan hệ ấy về phía sau”.

Leave a Reply

Your email address will not be published.