Văn học chiến tranh Việt Nam (phần 2)

Home / Chuyên đề / Đất nước Việt Nam / Văn học chiến tranh Việt Nam (phần 2)

Từ sau “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, chủ đề chiến tranh, vệ quốc đã trở thành chủ đề lớn nhất xuyên suốt gần như toàn bộ nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Mời quý vị và các bạn đọc phần 2 tiểu luận “Văn học chiến tranh Việt Nam” của TS Lê Thị Thanh Tâm – Chủ nhiệm Bộ môn Văn học và Nghệ thuật.

2. Văn học viết về cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ – âm vang vĩ đại của tinh thần dân tộc Việt Nam thế kỷ XX

Ngay ở cửa ngõ bước vào thời hiện đại, người Việt đã khóc thương dân tộc theo dòng văn tế đẫm lệ của cụ Đồ Chiểu:

Hỡi ơi!
Súng giặc đất rền,
Lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao,
Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.
(…)
Khá thương thay

Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng lính ở viễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.
Những lăm lòng nghĩa lâu dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắt sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng  (…)

Bài văn tế này khóc thương 30 chiến sĩ nghĩa quân đã hy sinh oanh liệt vào đêm 14-12-1861 tại Cần Giuộc (ngoại thành Sài Gòn, thuộc tỉnh Long An ngày nay) trong cuộc chiến không cân sức chống lại thực dân Pháp. Một thời đại “đau thương nhưng anh dũng” của dân tộc Việt Nam bắt đầu bằng những trang sử đẫm máu này. Lần đầu tiên, hình ảnh những người dân áo vải chân đất trở thành tượng đại sống cho oai linh dân tộc đã xuất hiện trong nhãn quan nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu.

Chủ đề chiến tranh, vệ quốc từ đây trở thành chủ đề lớn nhất xuyên suốt gần như toàn bộ nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Sau những bài văn tế thống thiết của Nguyễn Đình Chiểu khóc thương và tôn vinh những người lính dân ấp dân lân, những tác phẩm viết về hình ảnh người lính, con người và xã hội thời chiến ngày càng đậm nét trong mọi thể loại văn học hiện đại.

Văn học viết về chiến tranh thời kỳ này không chỉ là nhiệm vụ chính trị. Nó còn là lương tri. Người nghệ sĩ không thể đứng ngoài vận mệnh đất nước. Nhiều thế hệ văn nhân sẵn sàng để lại phía sau những mối quan tâm nồng nhiệt về các chủ đề diễm tình đẹp đẽ để đi vào chiến trường, sáng tạo dưới nguồn cảm hứng mới và khó. Những văn nghệ sĩ một lòng đi theo cách mạng đã mở ra một nền văn học hoàn toàn hướng về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, thậm chí bản thân họ cũng trở thành chiến sĩ, liệt sĩ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc đổi đời lớn của cả dân tộc. Đó cũng là cuộc đổi đời lớn của văn chương. Nhà văn say sưa với thành công vĩ đại của cách mạng. Chế độ mới cũng cởi mở ngòi bút, tạo điều kiện để nhà văn được viết về những điều mà trước đây họ không bao giờ có thể nghĩ tới.

Lịch sử văn học viết về chiến tranh không thể bỏ quên những tác giả và tác phẩm ở buổi đầu của nền văn nghệ cách mạng như: Tố Hữu với Cá nước, Phá đường, Bầm ơi!.., Quang Dũng với Những làng đã đi qua, Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến,…, Hữu Loan với Đèo cả,.., Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc…

Cũng không thể không kể đến một lực lượng hùng hậu những tên tuổi trưởng thành trong kháng chiến trường kỳ của dân tộc như: Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Thôi Hữu, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Lương An, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Huỳnh Văn Nghệ, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Bảo Định Giang…

Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được ghi nhận như là một đỉnh cao của văn học cách mạng nhìn từ phương diện xây dựng ngôn ngữ dân tộc và tuyên truyền tinh thần cách mạng. Bằng lối đối đáp có truyền thống trong ca dao và thể lục bát uyển chuyển, ngọt ngào, Tố Hữu đã sáng tạo những câu thơ gợi cảm và hoàn hảo nếu xét như một thể tài trữ tình chính trị:

Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?

Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Còn đây là bức tranh tang thương của dân tộc trước gót giày xâm lược:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ từng đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?

(Hoàng Cầm)

Nguyễn Đình Thi cũng có những vần thơ chảy máu:

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da

Trước cơn lầm than của dân tộc, những người con của tổ quốc đã sẵn sàng đứng lên bảo vệ từng tấc đất quê hương:

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến

(Hồng Nguyên – Nhớ)

Họ là những người lính ra đi từ đất nghèo, sống dung dị trong tình đồng đội đồng chí, vô tư dấn thân vào cuộc chiến tranh vệ quốc:

Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

(Chính Hữu – Đồng chí)

Họ còn là những người lính bỏ lại “kinh thành nghi ngút khói sau lưng” để xả thân cho độc lập của dân tộc:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng sang biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Quang Dũng – Tây tiến)

Một ý thơ rất ám ảnh của Hoài Anh viết về những ngày đầu thủ đô kháng chiến giúp chúng ta hiểu hơn nỗi khủng khiếp và oanh liệt một thời:

Cây sấu cụt tay vẫn trơ trơ trước cửa
Khói đạn bay bụi vữa xóa nhòa
Mảnh tường đổ như người chết đứng
Giơ lưng che cho đồng đội diệt thù
Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới về nhà

Thơ ca kháng chiến cũng khắc họa thành công hình tượng người anh hùng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam: chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ là một ví dụ.

Đoạn thơ sau đây giúp ta hiểu thêm con người Bác, tấm lòng của Bác:

Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt?

Bên cạnh hình tượng tổ quốc, người lính và lãnh tụ, thơ ca kháng chiến chống Pháp đã làm xúc động bao thế hệ về hình tượng nhân dân. Họ là tất cả những người dân Việt Nam đã vì nghĩa mà đứng lên, vì yêu nước mà chiến đấu. Nhiều bài thơ của Tố Hữu như Cả nước, Phá đường, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc…, bài Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu), Bài ca vỡ đất (Hoàng Trung Thông)… đã tái hiện một cách hào hùng sức mạnh của dân tộc. Đó là sức mạnh mà Nguyễn Đình Thi đã phát biểu rất tinh tế:

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Nhân dân trong thơ kháng chiến gồm đủ mọi tầng lớp, mọi miền quê, mọi lứa tuổi. Họ là những cô gái phá đường, là bà Bủ, là đoàn dân công chiến dịch, là nữ du kích…

Những chị mặt tàn hương loang lổ vết son
Cầm mảnh bom thay xà beng xúc đất
Anh thợ tiện bị tù thời bí mật
Nay thành chỉ huy quân sự liên khu
Khuôn mặt cày sâu những vết đòn thù

(Hoài Anh – Nhớ ngày thủ đô kháng chiến)

Hai hình tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà thơ là người mẹ và người vợ. Dường như trong không khí chiến tranh, trong những mất mát tận cùng của quê hương, những người mẹ và người vợ đã trở thành những biểu tượng bất khuất và đau khổ nhất.

Đó là hình ảnh rất thân thương của những người vợ:

Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya

(Hồng Nguyên)

Hay:

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương

(Hữu Loan)

Nhưng cao hơn hết thảy, vượt qua mọi nỗi khổ đau, hy sinh, mất mát chính là hình tượng “đoàn quân Việt Nam”- biểu tượng chiến thắng sáng ngời.

Ta đi tới trên đường ta bước tiếp
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt

(Tố Hữu )

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Quang Dũng)

Thơ ca kháng chiến chống Pháp là những trang biên niên sử đầy máu và nước mắt, in đậm những thời khắc lịch sử vàng son của dân tộc. Trong khi đó, thơ ca chống Mỹ lại mang một màu sắc bi thương và trí tuệ đặc biệt.

Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly khóc người vợ thân yêu hy sinh đã lấy đi nước mắt bao người:

Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp.
Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc
Ôi mũi lê này hôm nay nao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những viên đạn thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Bên những vết đạn xưa chúng giết bao người
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc

“Nỗi đau không thể nói bằng lời” của đất nước này, dân tộc này chỉ có thể ghi lại bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ hy sinh đến cùng cho nền độc lập. Mỗi tấc đất ngọn cỏ đều thấm đầy cốt nhục của bao liệt sĩ vô danh. Người con gái trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao đã tạc nên một hình tượng đẹp đẽ lớn lao:

Mới đến cầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thủy chung

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ cỏ con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em mãi là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

Sự tàn khốc của chiến tranh và sức sống con người trong máu lửa được khắc họa rõ nét ở những bài thơ viết về Trường Sơn- huyết mạch giao thông thời chiến, nơi Tố Hữu đã kính cẩn đặt bút:

Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình

Những áng thơ viết về Trường Sơn không chỉ có giá trị lịch sử, tư liệu chiến tranh, mà còn là những đỉnh cao của thơ ca cách mạng:

Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng

Xe vẫn đi vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim

(Phạm Tiến Duật- Tiểu đội xe không kính)

Những bài thơ hào hùng, trẻ trung của Phạm Tiến Duật về bộ đội Trường Sơn mang đến cho thơ ca kháng chiến phong vị bụi bặm, đời thực rất đặc trưng của chiến trường. Năm 1972, giữa mùa hè đỏ lửa, bài thơ Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ ra đời như một nén tâm hương tưởng nhớ những chiến sĩ đã thanh thản hy sinh đời mình cho đất nước:

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom…

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi mình trong cuộc sống của em

Những người con trai con gái thì ra trận, sống và chết giữa đạn thù. Còn người ở lại cũng mang nhiều nỗi niềm. Hình ảnh người mẹ hậu phương, người mẹ đất nước đã đi vào thơ ca chống Mỹ rõ nét và đẹp hơn bao giờ hết:

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:
– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm

(Nguyễn Duy – Hơi ấm ổ rơm)

Là người hết lòng chăm sóc cho đứa con bị thương:

Con bị thương nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ.
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.

Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai tỏa khói ấm trong nhà

(Bằng Việt – Mẹ)

Là người chở che cho “hàng sư đoàn dưới đất”:

Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh

Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
Lòng mẹ giăng như lũy như thành
Che chở mỗi bước chân con bước

(Dương Hương Ly)

Thơ ca kháng chiến chống Mỹ còn có vẻ đẹp nhuần nhị của con người giữa cái lặng thầm của bình yên và cái dữ dội của máu lửa, do điều kiện lịch sử tạo nên. Không ít những vần thơ, áng thơ thấm đẫm trữ tình, đi sâu vào tình cảm, cảm xúc, tạo nên thế cân bằng cho dòng thơ đang trôi theo lửa đạn.

Từ sau năm 1954, nhiều tiểu thuyết chiến tranh như: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súng của Lê Khâm, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Phá vây của Phù Thăng, Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng, Người người lớp lớp của Trần Dần… có sức vang động và tạo ảnh hưởng lớn đến lịch sử văn học cũng như đời sống tinh thần của người dân. Nhiều nhân vật đã trở thành điển hình về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành hình tượng đẹp đẽ và cao quí về phẩm chất con người trong kháng chiến như anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện của Nguyễn Đức Ái…

Những tác phẩm của các tác giả miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như: tiểu thuyết Hòn Đất (1966) của Anh Đức, tập truyện Chiếc lược ngà (1967), Bông cẩm thạch (1968) của Nguyễn Quang Sáng, tiểu thuyết Rừng U Minh (1970) và tập ký Cửu Long cuộn sóng (1965) của Trần Hiếu Minh (tức Nguyễn Văn Bổng), truyện ký Người mẹ cầm súng (1965) của Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), tiểu thuyết Gia đình má Bảy của Phan Tứ (Lê Khâm), truyện ký Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc và tiểu thuyết Đất Quảng của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc)… cũng được xem như một mảng rất sáng của văn học chiến tranh ở giai đoạn trưởng thành của nó.

Nhân vật trung tâm của văn xuôi chống Mỹ là người lính. Họ tiêu biểu cho khát vọng, ý chí chiến đấu và chiến thắng của cả dân tộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cho sức mạnh và phẩm chất của con người thời đại kết tinh từ mấy nghin năm lịch sử. Họ có ý thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa của cuộc chiến đấu, hiểu rõ chân lý của thời đại cách mạng: “Kẻ thù đã cầm súng, chúng ta phải cầm lấy giáo” (Lời cụ Mết trong Rừng xà nu), “Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả” (Lời anh Trỗi trong Sống như anh), “còn cái lai quần cũng đánh” (Lời chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng)… Họ là những người anh hùng trong chiến đấu, nghĩa tình, hài hòa trong tình yêu tình gia đình: chị Sứ (Hòn Đất), Thiêm và Mẫn (Mẫn và tôi), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng)… Các nhân vật cũng thường được đặt trong những hoàn cảnh thử thách gay go, những tình huống căng thẳng nghiệt ngã trong chiến tranh để làm bộc lộ vẻ đẹp và những phẩm chất cao cả của họ. Chị Sứ trong Hòn Đất của Anh Đức là người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm hết sức trong sáng, kết tinh vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Tâm trạng chị trước khi bị giặc sát hại được Anh Đức thể hiện vô cùng xúc động: “Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã làm thắm hồng da dẻ chị, nơi núi Ba Thê vòi vọi xanh lam cứ mỗi hoàng hôn lại hiện trắng những cánh cò…”. Nhân vật Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu cũng có vẻ đẹp và sức sống kỳ diệu như thế. Bút pháp lý tưởng hóa, lãng mạn hóa kết hợp với bút sử thi đã tạo nên những trang viết thật sự có giá trị. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, sáng tác của Nguyễn Minh Châu từ Cửa sông đến Dấu chân người lính, Những vùng trời khác nhau là những thành tựu rất đáng ghi nhận. Với khát vọng “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rất thành công hình tượng con người trong chiến tranh, tuy bị cuốn theo cơn lốc lịch sử nhưng vẫn không ngừng tỏa sáng chất ngọc nội tâm, lý tưởng một cách chân thực.

Leave a Reply

Your email address will not be published.