Chiến tranh từ xa xưa đã là một chủ đề lớn của nhân loại. Chiến tranh sinh ra cùng lúc với bước chân đẫm máu của con người trên con đường tìm kiếm một trật tự mới của nền văn minh. Những sử thi tối cổ vĩ đại của loài người như Mahabharata (Ấn Độ), Gilgamesh (vùng Lưỡng Hà), hay những câu chuyện thời trung đại Đông Á như Truyện Heike (Nhật Bản), Tam quốc chí (Trung Hoa)… đều phản ánh tình trạng chiến tranh, cát cứ, phản ánh những xung đột dữ dội không lối thoát của hệ thống các thế lực, vương quyền.

Chiến tranh, từ chỗ được nhìn thấy như một bản năng sinh tồn có tính lịch sử, ngày nay đã trở thành nỗi đe dọa thường trực nền an ninh cộng đồng quốc tế. Trong lịch sử, Việt Nam là một đất nước đã gánh chịu 17 cuộc chiến tranh vệ quốc tàn khốc, phần lớn do vị trí địa – chính trị, địa – văn hóa quá đặc biệt đối với khu vực và thế giới. Một dân tộc trưởng thành (trên bất kỳ một phương diện nào) thường được trui rèn bởi sinh mệnh lịch sử của chính nó. Người Nhật sớm đạt tới mỹ học của sự chết qua những cảm thức thẩm mỹ thuộc vào hàng tinh tế nhất của nhân loại có lẽ bởi dân tộc ấy thường xuyên phải chịu đựng tất cả sự phẫn nộ tàn bạo của thiên nhiên, nơi sự sống cái chết chỉ còn trong gang tấc. Ấn Độ sở dĩ được xem như cái nôi của văn hóa tâm linh nhân loại có lẽ cũng một phần do vùng đất nóng cháy đó nằm trọn trong bầu khí quyển mênh mông cao vọi của dãy Himalaya huyền bí, một không gian thích hợp cho sự suy tư, trầm ngâm, có thể dung chứa một năng lực tư duy mạnh mẽ về cái siêu hình. Dân tộc Việt Nam là một trong số ít dân tộc hiếm hoi trên thế giới có cách ứng xử đặc biệt trưởng thành trong hoàn cảnh chiến tranh, bởi họ được trui rèn rất tự nhiên về phản ứng đối với mọi thế lực xâm lược. Cách ứng xử ấy giải thích được rất nhiều khía cạnh liên quan đến bản tính của một dân tộc ít khi được sống trong hòa bình: sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền hòa bình của đất nước, cả dân tộc là một gia đình lớn, che chở và nuôi dưỡng nhau vô tư trong nhiệm vụ chiến đấu, tỉnh táo sắc sảo trong đối phó với kẻ thù, quả cảm tuyệt vời trong những đòn quyết định…
1. Văn học chiến tranh vọng từ quá khứ
Dòng văn học chiến tranh là một trào lưu bền bỉ và mạnh mẽ trong lịch sử văn học Việt Nam. Từ thuở xa xưa, nó được phản chiếu ít nhiều trong những câu thơ ngắn mang ý thức phản kháng, những lời ca tiếng hát tuy u ẩn đau thương nhưng vẫn tràn trề một tinh thần bất khuất. “Ru con con ngủ cho lành – để mẹ gánh nước rửa bành ông voi – muốn coi lên núi mà coi – coi bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”…
Câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc Ân giờ đây vẫn là một biểu tượng vĩnh cửu của lòng ái quốc vô tư. Điều kỳ diệu là đứa trẻ đánh giặc ấy lớn lên theo cách riêng, vụt dậy, trên từng bát cơm bát cà của cư dân Việt cổ, trên những ngôi làng nghèo khó. Thánh Gióng là một đứa trẻ thơ trở thành anh hùng vì tình yêu nòi giống từ trong máu.
Một trong những lời hiệu triệu mang đầy màu sắc huyền thoại là bài Nam quốc sơn hà, tương truyền do thần nhân âm phù để giúp người trong nước đánh giặc, được truyền tụng mạnh mẽ vào đời Lý (thế kỷ XI):
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Nghĩa là:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành đã định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Những “mảnh vụn văn học sử” trên có thể chưa tạo thành một nền văn học chiến tranh (theo đúng nghĩa là một nền văn học có hệ tác giả-công chúng-thi pháp) ở một đất nước nhiều chiến tranh, nhưng chắc rằng những dấu ấn xa xôi đó đã cất giữ một lịch sử vô cùng oai hùng, đẫm máu và nước mắt người Việt từ ngàn xưa.
Điều có thể làm người ta rất ngạc nhiên là âm hưởng chiến tranh trong văn chương nghệ thuật của người Việt vốn không phải là âm hưởng chính. Chiến tranh ẩn hiện trong văn học Việt Nam, nhưng không có thể loại văn học chiến tranh trong văn học Việt Nam. Đó là một điều rất đáng suy nghĩ. Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu kết thúc bằng nỗi buồn trong sáng trong những suy niệm về quá khứ hào hùng, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ở những cao trào tuyệt đỉnh về nghệ thuật chiến tranh lại là những câu văn thấm đẫm tinh thần nhân đạo: “Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày nước sông nghẹn ngào tiếng khóc – Thành Đan Xá thây chất thành núi cỏ nội đầm đìa máu đen”; “Thần Vũ chẳng giết hại – Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh (…) Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”…
Dường như có một truyền thống khác trong lịch sử văn học Việt Nam khi viết về chiến tranh. Bản thân chiến tranh không phải là truyền thống cảm hứng, tư duy lớn, nhưng truyền thống cảm thương con người trong chiến tranh lại là một dấu ấn nhân văn lớn nhất mà người Việt có thể có được trong hành trình sáng tạo. Đất nước Việt Nam suốt hàng nghìn năm trước thời kỳ hiện đại, chiến tranh là sự thật thường trực. Song, văn chương người Việt thời kỳ đó vẫn không có nhiều chỗ cho những bước chân đoàn quân vệ quốc. Cả ba cuộc kháng chiến lừng lẫy chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13 vẫn chỉ lấp lánh vài dòng trong thơ Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, bài hịch của Trần Hưng Đạo… Cuối thế kỷ XVIII, tài thao lược ngoài sức tưởng tượng của Quang Trung cũng chỉ có mặt trong Hoàng Lê nhất thống chí ở một vài chương sách. Có lẽ chỉ từ nửa sau thế kỷ XIX, khi quân đội viễn chinh Pháp nổ súng ở cửa bể Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam thì làn sóng thơ ca yêu nước chống ngoại xâm mới bùng cháy, lan tỏa khắp mọi ngõ ngách tâm tình và ý chí.
Đón đọc phần 2: Văn học viết về cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ – âm vang vĩ đại của tinh thần dân tộc Việt Nam thế kỷ XX
Leave a Reply