Đào tạo

Home / Đào tạo

Các nhiệm vụ đào tạo của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt:

  • Đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học cho sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài – những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá… Việt Nam.
  • Đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho các học viên nước ngoài đến học theo hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.
  • Đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho các đối tượng là người nước ngoài khác, bao gồm các sinh viên, các thực tập sinh, các nhà nghiên cứu, các giáo sư thuộc các trường đại học và các viện nghiên cứu, các chuyên gia, chuyên viên nước ngoài, các cán bộ của các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, nhân viên của các tổ chức kinh tế, các nhà kinh doanh…

Với hơn nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, với đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm dạy tiếng, với phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu chính, Khoa có thế mạnh để tổ chức đào tạo các lớp tiếng Việt ngắn hạn cho từ một đến nhiều học viên là người nước ngoài để Nhà trường cấp Chứng chỉ tiếng Việt ở các trình độ A, B, C. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cũng là một trong rất ít đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các học viên nước ngoài trước khi họ theo học tại các trường đại học của Việt Nam.

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt; hàng năm, Khoa còn mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp dạy tiếng cho các giảng viên trẻ của Khoa và cho những đối tượng quan tâm đến việc dạy tiếng.

Kể từ năm học 2009-2010, Khoa bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học.

Các chương trình hợp tác

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã và đang liên kết đào tạo với nhiều trường đại học và các tổ chức quốc tế như: Đại học Ngoại ngữ – Ngoại thương Bắc Kinh, Đại học Dân tộc Vân Nam, Đại học Quảng Tây (Trung Quốc); Đại học Ngoại ngữ Tôkyô, Đại học Đaitô Bunka, Tổ chức JICA, Hội Hữu nghị Nhật – Việt (Nhật Bản); Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Đại học Chungwoon (Hàn Quốc); Hội đồng Trao đổi giáo dục quốc tế (CIEE), Đại học Hobart, Chương trình CET (Hoa Kì); Viện nghiên cứu Á – Phi (SOAS)  (Anh); Đại học Victoria (Australia)…

Khoa đã xây dựng chương trình liên kết đào tạo bậc cử nhân 3+1 và đang tiếp tục xây dựng chương trình 2+2 với Đại hoc Chungwoon (Hàn Quốc).

Các thành tựu đã đạt được

Trong nửa thế kỉ qua, với sự phấn đấu không ngừng, Khoa đã đạt được những thành tựu to lớn sau:

Từ 1968 đến nay, Khoa đã đào tạo được hơn 7.000 học viên nước ngoài thuộc trên 40 quốc tịch khác nhau, trong đó có hơn 100 cử nhân, 15 người đã và đang là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Hà Nội như: Đại sứ Trung Quốc: Lí Gia Trung, Tề Kiến Quốc; Đại sứ Cộng hoà Liên bang Nga: Ki-mô-phê-ép; Đại sứ Ru ma ni: Va-lê-ri-u; Đại sứ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên: Park Ueng Sop; Đại sứ Cuba: Phec-nan-đes và nhiều cán bộ ngoại giao cao cấp, nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhiều nhà nghiên cứu, biên dịch và phiên dịch cao cấp… là người nước ngoài.

Đặc biệt, Khoa đã có những thành tích to lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Lào và Campuchia.

Về công tác đào tạo cho Lào: Khoa đã đào tạo tiếng Việt cho hàng trăm sinh viên Lào, trong đó có 6 sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, Khoa còn đào tạo tiếng Việt cho 30 cán bộ trung cấp tại Học viện Hành chính Quốc gia Hà Nội và 50 cán bộ cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó có một số người đã là Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và giữ những trọng trách lớn của nhà nước.

Về công tác đào tạo cho Campuchia: Sau khi Campuchia được giải phóng, từ năm 1981 – 1991, đã có trên 200 lượt cán bộ giảng dạy của Khoa được mời làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại một số trường đại học của Cam Pu Chia: Trường Đại học Phnom Pênh (nay là Đại học Hoàng gia Campuchia), Đại học Y, Đại học Kinh tế…

Nhiều cán bộ giảng day của Khoa được mời đi dạy tiếng Việt tai các nước: Mĩ, Thuỵ Điển, Đức, Nhật, Hàn Quốc…